Xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện có phải điểm sáng?

Thông tin trên trang web của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ trọng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục tăng trong những năm qua.

Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng này đã tăng gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay (năm 2016 chiếm 10,7%; năm 2017 chiếm 12,2%; năm 2018 chiếm 12,1%; năm 2019 chiếm 13,7%, năm 2020 chiếm 15,8%; năm 2021 chiếm 15,1%; năm 2022 chiếm 15% và năm 2023 chiếm 16,2%).

Công nhân trong nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. Ảnh: T.L

Công nhân trong nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. Ảnh: T.L

Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ 2011-2023, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, lần lượt các năm là: năm 2011 tăng 29,9%; năm 2012 tăng 68,4%; năm 2013 tăng 35,5%; năm 2014 tăng 7,5%; năm 2015 tăng 36,5%; năm 2016 tăng 21,5%; năm 2017 tăng 38,6%; năm 2018 tăng 12,5%; năm 2019 và năm 2020 cùng tăng 22,8%; năm 2021 tăng 13,5%; năm 2022 tăng 9,7% và năm 2023 ước tính tăng 3,2%.

Bình quân cả giai đoạn 2011-2023 tăng 23,8%. Tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt lên trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn nhất của Việt Nam vào năm 2023 (đạt 57,3 tỉ đô la Mỹ, vượt qua điện thoại và linh kiện đạt 52,4 tỉ đô la Mỹ).

Công nghiệp điện tử là thước đo trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nếu một quốc gia có nền công nghiệp phụ trợ tốt, công nghiệp điện tử có thể xem là ngành mũi nhọn của nền kinh tế, vì xuất khẩu sản phẩm cuối cùng của nhóm sản phẩm này sẽ lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nền kinh tế thông qua sử dụng đầu vào là các sản phẩm phụ trợ từ các ngành khác trong nước.

Điều này dường như không hoàn toàn đúng với nền kinh tế Việt Nam, khi sản phẩm trong nước làm đầu vào, làm chi phí trung gian cho sản xuất của nhóm ngành công nghiệp này cơ bản là điện, nước, một chút bao bì và các phí dịch vụ khác. Nhóm ngành công nghiệp này cơ bản do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện.

Và dù do các doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước thực hiện thì sản xuất các sản phẩm này cơ bản là gia công lắp ráp; hàm lượng giá trị gia tăng và nhất là hàm lượng giá trị gia tăng (cơ bản là thu nhập của người lao động Việt Nam) mà phía Việt Nam nhận được là rất thấp.

Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành, xuất khẩu nhóm sản phẩm này 100 đô la Mỹ thì chỉ lan tỏa đến thu nhập của người lao động Việt Nam khoảng 14 đô la Mỹ, phần cơ bản lan tỏa đến sản xuất của các nước mà phía Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và cả kỹ thuật để làm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất nhóm sản phẩm này.

Hàm lượng sáng tạo (R&D) của phía Việt Nam đóng góp vào chuỗi giá trị của nhóm sảm phẩm này gần như không có gì. Tuy có những người Việt Nam có vị trí rất cao đối với quốc tế về khoa học trong lĩnh vực điện tử, trí tuệ nhân tạo nhưng đều không thể đóng góp được gì mặc dù có thể họ rất muốn.

Nói vậy không có nghĩa là phản đối FDI, có FDI thì số tiền nhận được dù ít cũng còn hơn không có gì (14% x 57,3 tỉ đô la Mỹ = khoảng 8 tỉ đô la Mỹ). Vấn đề là nếu có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp nội sản xuất được các sản phẩm phụ trợ làm đầu vào cho nhóm ngành công nghiệp này mà không phải nhập khẩu thì có thể hàm lượng thu nhập mà phía Việt Nam hưởng lợi thông qua sự lan tỏa sẽ lớn hơn rất nhiều. Và như vậy chính sách cần hướng đến để các doanh nghiệp nội phát triển không tụt hậu quá xa so với các doanh nghiệp FDI về công nghệ, về phương thức quản lý, về sự nghiêm túc trong công việc…?

Như hiện nay thì chưa thể xem tăng trưởng và cơ cấu của xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện là điểm sáng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động.

Bùi Trinh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-dien-tu-may-tinh-va-linh-kien-co-phai-diem-sang/