Xuất khẩu bứt phá

Xuất khẩu gạo liên tục xô đổ các kỷ lục về giá và năng suất, xuất khẩu sầu riêng tăng tới 19 lần; doanh nghiệp gỗ và thủy sản đang đón nhận những thông tin tích cực… Bức tranh xuất khẩu lộ dần gam màu sáng trong những tháng cuối năm - thời điểm cần bứt tốc để đạt mục tiêu 54-55 tỷ USD đề ra.

Sầu riêng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng rau quả. Ảnh: TL.

Chưa lúc nào giá gạo “sốt” như lúc này

Số liệu từ Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng ước đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022.

Theo lời một số thương lái ở Cần Thơ, cả tuần qua họ đi đến các cánh đồng ở trong và ngoài tỉnh để thu mua lúa gạo. Chưa lúc nào giá gạo “sốt” như lúc này, thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ.

Nguyên nhân khiến giá gạo tăng cao là do nhiều đầu mối và doanh nghiệp (DN) gom hàng. Thương lái tìm đến tận ruộng đặt cọc mua lúa của nông dân với giá liên tục nhích lên. Bà con nông dân trồng lúa gạo nức lòng vì hạt gạo đang được nâng giá trị từng ngày. Vụ hè thu này niềm vui như nhân đôi bởi giá phân bón giảm, giá đầu ra lại tăng nên bà con có lợi nhuận lớn.

Bên cạnh việc đảm bảo sự hài hòa giữa đẩy mạnh xuất khẩu và cân đối cung - cầu, ổn định giá cả trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm hiện tại là cũng là cơ hội “vàng” cho xuất khẩu gạo. Giá gạo tăng chính là cơ hội để DN Việt mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng uy tín và thương hiệu cho hạt gạo.

GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về lúa gạo cho biết, việc nhiều quốc gia lúa gạo áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo chính là thời cơ để Việt Nam tăng tốc hướng tới giá trị kinh tế lẫn giá trị nhân văn.

Còn về sản lượng lúa năm nay, theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm nay sản xuất lúa gạo ở Việt Nam khá thuận lợi, kế hoạch cả năm dự kiến đạt khoảng 43 triệu tấn thóc. Như vậy đảm bảo đủ cung ứng nhu cầu lương thực trong nước và các nhu cầu khác, khi chúng ta xuất khẩu ở mức 6,5 - 6,6 triệu tấn gạo.

Xuất khẩu cá tra trên đường hồi phục. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu sầu riêng dự tính vượt 1 tỷ USD

Nằm trong số những loại trái cây xuất khẩu đạt giá trị kỷ lục, sầu riêng đạt 876 triệu USD, tăng gần 19 lần so với mức 44,2 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, đóng góp đáng kể vào con số 2,75 tỷ USD xuất khẩu rau quả trong 6 tháng đầu năm.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh là do tháng 5 và 6 vào mùa thu hoạch rộ loại quả này ở các tỉnh phía Nam nên lượng hàng xuất sang Trung Quốc tăng mạnh. Từ tháng 8 tới cuối năm sẽ bước vào chính vụ thu hoạch ở Tây Nguyên. Do đó, sản lượng sẽ tiếp tục tăng và xuất khẩu sầu riêng dự tính vượt 1 tỷ USD.

Còn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 rất khó khăn nhưng vẫn thu về kết quả tích cực. Đặc biệt, rau quả là ngành đem lại nhiều bất ngờ nhất. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm ngoái là con số cao kỷ lục của ngành hàng này. Nửa cuối năm, nếu tốc độ xuất khẩu tốt thì cả năm 2023 rau quả có thể giúp Việt Nam thu về trên 5 tỷ USD.

Bên cạnh ngành rau quả, thủy sản cũng đang cho thấy những điểm sáng. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, ngành này cũng cho thấy nhiều tín hiệu phục hồi. Các DN sản xuất cá tra, tôm bắt đầu cho công nhân tăng ca sản xuất để trả đơn hàng.

Về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng ngành thủy sản cần tập trung giải quyết vấn đề lớn nhất là nguyên liệu. Mục tiêu là làm sao đảm bảo sản xuất nguyên liệu thủy sản để có đủ cho chế biến xuất khẩu khi thị trường bước vào giai đoạn phục hồi. Về thị trường, các DN cần giữ liên lạc chặt chẽ với các nhà nhập khẩu nhằm giữ được các thị trường có nhu cầu lớn. Qua đó, có thể đẩy mạnh xuất khẩu ngay khi thị trường phục hồi.

Cùng với các mặt hàng trên, đơn hàng xuất khẩu gỗ nội thất bắt đầu tăng trở lại từ cuối quý II/2023. Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn lạc quan có thể cán mốc xuất khẩu 14 tỷ USD vào cuối năm khi các DN bắt đầu đón thêm đơn hàng mới.

Ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, những tháng cuối năm, mục tiêu xuất khẩu nông sản chính đạt 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD. Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đàm phán để đưa nhiều mặt hàng nông sản tiềm năng sang các thị trường quen thuộc như: Dừa tươi sang Hoa Kỳ, xoài và thanh long sang Nhật Bản… đồng thời trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu, phối hợp với đoàn thanh tra của EU đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thủy sản Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến những thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng; các thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ La tinh, Đông Âu; các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát, có tăng trưởng khả quan như ASEAN.

Đáng chú ý, ngày 31/7, thêm nhiều ngân hàng giảm mạnh lãi suất ở tất cả các kỳ hạn, điều này đã làm cho mặt bằng lãi suất các ngân hàng thương mại tiếp tục đi xuống và đang ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Đa phần các ngân hàng giảm từ 0,4-0,45 điểm phần trăm, cụ thể tại một số ngân hàng lãi suất kỳ hạn từ 6-8 tháng còn 6,1%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng còn 6,2%/năm; kỳ hạn 12 - 13 tháng còn 6,5%/năm; kỳ hạn 15 tháng giảm còn 6,6%/năm; kỳ hạn 18 tháng còn 6,7%/năm; kỳ hạn 24 - 36 tháng còn 6,8%/năm.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, rà soát thủ tục, quy trình cho vay và các loại phí, lệ phí mà tổ chức tín dụng đang áp dụng để xem xét, chỉ đạo cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết.

Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành là động thái tích cực để hỗ trợ DN, kích cầu tín dụng giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng trong thời gian tới cùng với các chính sách tài khóa của Chính phủ. Đến thời điểm này có thể khẳng định, nền kinh tế đang nỗ lực vượt qua những "cơn gió ngược" và ghi nhận nhiều nhân tố tạo động lực tăng trưởng.

Dệt may nỗ lực giữ thị trường

Thời gian qua, dệt may là lĩnh vực gặp khó khăn nhất. Tuy nhiên, các DN dệt may đã nỗ lực để giữ thị trường. Theo số liệu được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) công bố, 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5%. Với kết quả này, 6 tháng đầu năm 2023, ngành dệt may xuất siêu 7,9 tỷ USD (cùng kỳ 2022 xuất siêu 8,8 tỷ USD). Năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu đạt 39 - 40 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu các DN cần tiếp tục giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Cùng đó là giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để giữ chân khách hàng. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa. Đồng thời giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của DN.

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xuat-khau-but-pha-5724750.html