Xuất hóa đơn điện tử bán lẻ xăng, dầu: Vì sao chần chừ?

Mặc dù Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã quy định thời hạn bắt buộc hoàn thành chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử từ ngày 1-7-2022. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu xuất hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách hàng theo từng lần bán, nhưng vẫn không thể thực hiện ngay. Vì sao?

Nơi làm, nơi không

Ngày 21-11, ghi nhận tại một số cây xăng trên địa bàn TPHCM cho thấy, có tình trạng nơi xuất hóa đơn điện tử, nơi không; hoặc nơi lại ghi giấy “Hóa đơn bán lẻ” cho khách mua hàng.

Xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng ngày 20-11 tại trạm xăng Petrolimex Petrol trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại cửa hàng xăng dầu số 17 thuộc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ trên đường Tô Ký (quận 12), khách tấp vào đổ xăng khá đông, nhưng người bán không nhắc lấy hóa đơn.

Một số khách có nhu cầu nhận hóa đơn điện tử thì nhân viên cây xăng đưa tạm “Phiếu hóa đơn bán lẻ” (ghi vài dòng địa chỉ công ty, số điện thoại, giá tiền đổ xăng, thời gian đổ xăng…) với lý do nhân viên văn phòng phụ trách hóa đơn đã hết giờ làm việc. Khách muốn nhận hóa đơn điện tử có thể quay lại vào giờ hành chính ngày hôm sau. Tương tự, tại cây xăng Petrolimex trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), chỉ khoảng 15 phút vào khung giờ cao điểm đã có hơn 50 lượt khách ra vào đổ xăng.

Nhân viên cây xăng nói rằng phần lớn khách hàng không quan tâm đến hóa đơn điện tử. Các trường hợp quan tâm yêu cầu xuất hóa đơn là những người đổ xăng nhiều, chủ yếu là tài xế ô tô, giá tiền ít nhất từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Tình hình cũng tương tự tại cây xăng Mipec thuộc Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội nằm trên đường Bàu Cát (quận Tân Bình, TPHCM). Cách đó không xa, cây xăng Hồng Đức nằm trên đường Đồng Đen (quận Tân Bình) cũng chỉ xuất hóa đơn ghi tay khi khách mua lẻ yêu cầu.

Vì sao không xuất hóa đơn điện tử cho khách, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TPHCM cho rằng: “Xuất hóa đơn điện tử theo quy định mới tốn khoảng 800 đồng/hóa đơn. Khoảng 1.000 lượt khách mua hàng/ngày sẽ tốn 800.000 đồng tiền hóa đơn, chưa kể các chi phí khác. Nếu siết chặt, bắt buộc áp hóa đơn điện tử đối với tất cả khách mua hàng thì doanh nghiệp nhỏ lẻ như chúng tôi không trụ nổi, buộc phải đóng cửa”. Trong khi đó, khi được hỏi về tình trạng một số cây xăng của công ty chỉ in phiếu “Hóa đơn bán lẻ” gửi khách, thì lãnh đạo Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ chưa trả lời. Trên địa bàn TP hiện có 546 cây xăng dầu đang hoạt động.

Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với Sở Công thương TPHCM cùng các sở ngành giám sát, nắm tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm (ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng…). Tuy vậy, theo ông Ba, việc giám sát phát hành hóa đơn điện tử đến khách mua hàng thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế.

Cần có lộ trình?

Theo Tổng cục Thuế, lũy kế đến ngày 31-10, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 5,6 tỷ hóa đơn. Tuy nhiên, phần lớn các đại lý, đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa kịp triển khai loại hóa đơn này, do chi phí đầu tư lớn, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn. Vì vậy trước đó, Bộ Công thương đã đề nghị tạo lộ trình là 1- 2 năm để các đại lý đang hoạt động có thời gian để thực hiện (thời gian chuyển tiếp). Bởi theo cơ quan này, việc áp dụng ngay quy định bắt buộc phải có hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, gây đứt nguồn cung, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Theo đó, cần triển khai ngay giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách theo từng lần bán.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, đồng thời ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hóa đơn, ngày 13-11 vừa qua, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 5080 yêu cầu cơ quan thuế các cấp khẩn trương rà soát, nắm bắt thực trạng triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa phương. Tổng cục Thuế đã đề nghị các đơn vị phải giám sát chặt chẽ việc phát hành hóa đơn, sử dụng hóa đơn đối với xăng dầu, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ không đúng quy định.

- Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:

Mặt hàng xăng dầu không phải ngoại lệ

Việc phải xuất hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bắt đầu từ ngày 1-7-2022 trên toàn quốc, nên với mặt hàng xăng dầu cũng không phải là ngoại lệ. Việc phải áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu trực tuyến với cơ quan thuế là giải pháp để ngăn chặn tình trạng trốn thuế hoặc kinh doanh xăng dầu lậu, kém chất lượng, đảm bảo công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính

- Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM Nguyễn Tiến Dũng:

Tất cả các cột bơm xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử

- Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đã nêu rõ, bán hàng xăng dầu phải xuất hóa đơn trên từng lần bán hàng cho người mua. “Hóa đơn giấy” phải là hình thức bản in của hóa đơn điện tử, chứ không phải là hóa đơn giấy tự lập như vậy. Cơ quan thuế vừa làm việc với các doanh nghiệp xăng dầu, yêu cầu tới đây tất cả cột bơm máy bơm phải xuất hóa đơn điện tử cho người tiêu dùng.

THI HỒNG - VĂN PHÚC - MAI HOA - LƯU DUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xuat-hoa-don-dien-tu-ban-le-xang-dau-vi-sao-chan-chu-post715147.html