Xuân về với những gia đình thương, bệnh binh nặng
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhiều thương, bệnh binh nặng trong tỉnh Long An vượt khó vươn lên, trở thành tấm gương sáng về tinh thần tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ.
1. Nhận lời mời tham gia tiệc tất niên, chào mừng năm mới tại UBND xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, ông Nguyễn Quang Kiểm (SN 1946, ngụ xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) hào hứng chuẩn bị từ sớm.
Từ khi Khu di tích lịch sử Khu vực Cầu Kinh, xã Phước Vĩnh Tây được khánh thành (năm 2014), ông Kiểm - người từng chiến đấu tại khu vực này, được mời về làm quản lý di tích.
Ông là thương binh hạng 1/4 với thương tật 87%, mất cánh tay phải do bị địch bắn nhưng mỗi ngày ông vẫn đều đặn đến khu di tích để quét dọn, thắp nhang cho những đồng đội nằm lại nơi này.
Nhớ lại những ngày tháng khốc liệt nhưng hào hùng, ông Kiểm không khỏi xúc động nói: “Tôi tham gia cách mạng từ năm 1963, đến năm 1965 gia nhập Tiểu đoàn 5 Nhà Bè và tham gia trận chống càn 45 ngày đêm ở vùng hạ Cần Giuộc. Tôi may mắn sống sót nhưng vẫn còn nhiều anh em, đồng đội nằm lại chiến trường. Vì vậy, tôi muốn làm một điều gì đó cho anh em, cũng để lòng mình thanh thản”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Kiểm trở về quê hương, gặp lại gia đình và xây dựng sự nghiệp. Kể về những khó khăn lúc ấy, ông Kiểm luôn giữ niềm tin, thái độ lạc quan đối với cuộc sống.
Ông dí dỏm nói: “Người ta đi về hai bàn tay trắng, còn tôi thì chỉ có... một bàn tay trắng thôi. Lúc đó, ở nhà không biết tôi còn sống, đã làm đến 4 lần giỗ. May mắn vợ tôi vẫn chưa đi thêm bước nữa!”.
Ông Kiểm cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, tôi được nhận trợ cấp cho thương binh nặng hàng tháng nên kinh tế gia đình ổn định. Vào dịp lễ, tết, xã đều tặng quà động viên tinh thần. Năm 1982, tôi được xã cấp cho cây gỗ để xây nhà, thời gian qua, nhờ sự ủng hộ của chính quyền, nhà hảo tâm, bạn bè, tôi sửa chữa, nâng cấp nhà nhiều lần. Giờ đây, tôi rất mừng vì có “nơi ăn chốn ở” kiên cố, vững chãi”.
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của ông Kiểm được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, ông tích cực tham gia công tác ở địa phương và nỗ lực làm ruộng để cải thiện cuộc sống. Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, năm 1987, ông và bạn bè tự chèo xuồng đến tỉnh Bến Tre mua dừa về bán.
Nhìn ra khoảng sân trống trong khu di tích, ông háo hức chờ đợi thời khắc năm mới sắp đến. “Lúc đó dân quân xã, đoàn viên, thanh niên sẽ đến đây thắp hương, lau dọn bàn thờ, phụ tôi cúng một mâm cơm cho chiến sĩ. Các cháu còn bày các chậu cúc, vạn thọ phía trước để tô điểm cho không gian, mang không khí xuân ngập tràn nơi này” - ông Kiểm nói.
2. Trở về từ chiến trường với thương tật hơn 80%, ông Đỗ Văn Tâm (SN 1960, ngụ phường 4, TP.Tân An) không đầu hàng số phận. “Ngày trước, tôi tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam nhưng không may giẫm phải mìn khi đang hành quân. Tôi nhớ như in khoảnh khắc đó, người tôi nhiều chỗ cháy sém và một bên chân bị đứt lìa”. Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật “thập tử nhất sinh”, quay về quê hương với cơ thể không còn nguyên vẹn, ông Tâm chọn học nghề tại cơ sở của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rồi tiếp tục bồi dưỡng kiến thức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Sau khi hoàn thành chương trình học, ông được phân công giảng dạy tại Trường Cao đẳng Long An, đến năm 2020 thì nghỉ hưu.
Do mất một bên chân nên sinh hoạt của ông Tâm khá bất tiện, mỗi lần “trái gió trở trời” là vết thương năm xưa lại âm ỉ. Ông thường ra phòng khách ngủ để tránh làm phiền gia đình khi cơn đau tái phát.
Từ lúc bị thương đến nay, ông được chính quyền địa phương hỗ trợ chi phí làm chân giả, thăm khám, chữa bệnh và sử dụng dịch vụ công miễn phí; trao tặng nhà tình nghĩa vào năm 1989 và trải qua nhiều lần tu bổ, nâng cấp.
Suốt nhiều năm cống hiến cho quê hương, ông Tâm vinh dự nhận nhiều bằng khen cấp Trung ương, tỉnh và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Nhờ sống trách nhiệm, nỗ lực, ông Tâm gặt được “trái ngọt” khi các con đều thành danh, có công việc ổn định.
Không chỉ vậy, ông còn quan tâm nhiều đến công tác xã hội, thường xuyên vận động nhà hảo tâm trao các phần quà tết gồm nhu yếu phẩm kèm theo từ 200.000-500.000 đồng cho hội viên Hội Cựu chiến binh TP.Tân An; vận động thanh niên trên địa bàn thành phố dọn dẹp đường sá, trồng cây xanh tạo mỹ quan đô thị mỗi dịp tết đến, xuân về.
Ông Tâm chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày cận tết là gia đình tôi được chính quyền địa phương, anh em trong Hội Cựu chiến binh TP.Tân An ghé thăm, trao những phần quà ấm áp, giúp tôi có động lực vươn lên”.
3. Từng một thời oanh liệt chiến đấu chống Mỹ, ông Phạm Văn Bự (SN 1938, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước) trở về quê hương với cơ thể không còn nguyên vẹn và được xếp vào thương binh hạng 1/4. Hồi tưởng quá khứ, ông Bự nói: “Tôi gia nhập Tiểu đoàn 1 Long An và tham gia cách mạng từ năm 1961.
Đến năm 1968, tôi không may bị thương. Sau đó, tôi được hỗ trợ, đưa đi Hà Nội an dưỡng. Đến khi đất nước giải phóng, hòa bình lập lại, tôi trở về đoàn tụ cùng người thân”.
Do dấu tích của chiến tranh nên vết thương cũ thường đau nhức, khiến ông Bự nhiều đêm mất ngủ. Với suy nghĩ “tàn nhưng không phế”, ông tiếp tục tăng gia sản xuất, canh tác trên khoảng 5.000m² đất và chăn nuôi thêm vịt, trâu,... để tăng thu nhập.
Nhiều năm qua, ông nhận mức trợ cấp thương binh hạng 1/4 và được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, các đoàn công tác ở địa phương, cấp tỉnh thường thăm hỏi, tặng quà, động viên ông Bự tiếp tục sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Những lúc như vậy, ngôi nhà nằm sâu trong ấp Ao Gòn, xã Tân Lân lại tràn ngập tiếng cười. Đồng hành cùng ông Bự suốt mấy chục năm qua là bà Nguyễn Thị Liên (SN 1941).
Ngày trước, bà Liên cũng tham gia cách mạng với vai trò dân công hỏa tuyến, chuyên cán thương tải đạn, nấu cơm cho bộ đội. Sau khi ông Bự trở về từ chiến trường, bà vừa là người “đầu ấp tay gối”, vừa là người chăm sóc cho ông. Hôm chúng tôi đến trùng dịp bà nhận thư mời nhận quà tết theo diện người có công với cách mạng.
Bà Liên bày tỏ: “Mỗi độ tết đến, tôi và ông xã được chính quyền địa phương hỗ trợ, tặng nhiều phần quà ấm lòng để có tết đủ đầy, ấm áp hơn”.
Ở độ tuổi đôi mươi, nhiều người quyết tâm chiến đấu, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đến khi trở về, họ để lại một phần cơ thể nơi chiến trường ác liệt.
Biết ơn và ghi nhớ công lao to lớn ấy, các cấp chính quyền trong tỉnh luôn nỗ lực quan tâm, chăm lo, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán để mùa xuân về trọn vẹn với những gia đình thương, bệnh binh nặng./.
Thực hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa, tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ đối với người có công như trợ cấp hàng tháng, trợ cấp tết. Tổng kinh phí trợ cấp tết đối với người có công là hơn 14,86 tỉ đồng, kinh phí được trích từ ngân sách Trung ương và tỉnh. Ngoài ngân sách, tỉnh, huyện còn vận động xã hội hóa để chăm lo cho người có công, gia đình chính sách. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà tết cho người có công, gia đình chính sách tại 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh”.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai
Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ cuối năm 2024, Hội lập danh sách 25 hội viên và tham mưu Đảng ủy, UBND xã vận động nhà hảo tâm chăm lo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trong đó, các đối tượng chính sách thương binh, hộ nghèo sẽ nhận phần quà trị giá 600.000 đồng, mỗi phần gồm 500.000 đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ”.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc - Cao Phú Quốc
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xuan-ve-voi-nhung-gia-dinh-thuong-benh-binh-nang-a188790.html