Xuân này Cốc Phương
Trời đất vào xuân, giống thiếu nữ bước vào tuổi tròn trăng thường lấy đỏng đảnh làm duyên, náo nức bộc lộ, hy vọng lâng lâng lúc khoe lúc giấu… Sớm nay đi giữa nao nao mùa chuyển, mưa không ướt áo, lạnh chưa đủ xuýt xoa, cây hớn hở khoe lộc, người váy áo phập phồng, hồng hào, rạng rỡ, phơi phới nổi trôi trên dòng người đi mua sắm tôi bỗng thấy thảnh thơi lấn át lo toan, háo hức, phấn chấn làm vơi đi gian nan đuổi tháng đuổi ngày.
Đã từ lâu tôi có thói quen mỗi một đầu mùa thường dạo một vòng quanh Lào Cai - mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Hình như cái chất bồng bột, phiêu lãng với người nghệ sỹ không có tuổi, thường trực trong mạch đập con tim như một sự đương nhiên vậy. Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Sa Pa, Mường Khương… cùng dấu chân đổi mùa đã đi vào những trang văn trang thơ mở lòng, đi vào ký ức của tôi. Lần này, tôi quyết định cùng bạn văn thăm lại Cốc Phương - bản vùng biên thuộc xã Bản Lầu (Mường Khương).
Dọc đường chúng tôi đi, đất trời bảng lảng, những hạt mưa bụi dịu dàng khiến lòng lâng lâng xao xuyến. Đã đi qua hơn sáu chục mùa mưa bụi mà mỗi lần những giọt li ti thấm ngọt vào thịt da, tôi vẫn thấy mình như trẻ nhỏ. Khi vào chợ Bản Lầu, nhìn những đứa trẻ người Mông, người Nùng, người Dao, người Kinh quần áo mới, mặt mũi trong sáng, tươi rói vô tư sà vào hàng đồ chơi, hàng ăn uống tôi thấy thèm, thấy nhớ tuổi thần tiên. Nhìn những thồ lá dong trên lưng cô gái người Dao từ núi xuống tôi ước mong được dụt củi làm cho nồi bánh chưng hào phóng trào sôi. Thấy đám trẻ, đám thanh niên đánh quay, đu quay tôi nhớ quay nhớ quắt tuổi thơ đam mê, nghịch ngợm. Ký ức giống như hòn than hồng ủ trong rơm rạ chỉ chờ nóng, chờ gió là hớn hở bùng lên…
Dọc hai bên đường xe chúng tôi qua, chuối dứa ôm gọn quả đồi từ chân tới ngọn. Những buồng chuối đến kỳ thu hoạch được bảo quản trong túi ni lông xanh vít cong cây. Những đồi dứa sau thu hoạch vừa trồng lại đang bật mầm đã cho chúng tôi cảm giác đủ đầy, thích thú. Chuối và dứa không xa lạ với vùng nông thôn trên đất nước hình chữ S, hầu hết chỉ để ăn chơi, bán lấy đồng mắm đồng muối, hầu hết chưa thành sản phẩm hàng hóa. Song ở Cốc Phương, Na Lốc lại khác. Những đồi dứa, đồi chuối nối nhau được trồng cấy, chăm sóc, thu hoạch theo phương pháp bán công nghệ đã làm nên sự giàu có của người dân vùng biên giới xa xôi hẻo lánh này.
Xe đưa chúng tôi chạm đất Cốc Phương - theo tiếng Mông nghĩa là Gốc Khế. Chẳng biết nơi này ngày xưa có gốc khế to đến đâu, ở vị trí đắc địa nào của làng, có vai trò gì trong cuộc sống của đồng bào, chỉ biết rằng sau cuộc chiến tranh xâm lược của những kẻ hiếu chiến bên kia biên giới thì suốt dọc vùng biên giới này thành một vành đai trắng. Bên kia biên giới những họng súng của kẻ thù luôn đe dọa, rình rập, dân cư được sơ tán về tuyến sau, dưới mặt đất dày đặc các loại mìn, bản “Gốc Khế” quây quần, đầm ấm, vấn vít biến thành vùng đất hoang tàn chim không dám bay ngang qua, thú không dám trú lại. Năm 1991, khi quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa trở lại, nhất là khi chủ trương giãn dân ra vùng biên giới để vừa xây dựng kinh tế vừa xây dựng cột mốc lòng dân được thực hiện thì biên giới Cốc Phương thực sự thay đổi, người Dìn Chin được di cư theo kế hoạch về đây khai núi lập làng.
Chúng tôi đến nhà ông Thào Dìn, tỷ phú chuối dứa miền biên viễn đúng lúc ông đang chăm sóc chiếc xe Toyota Fortuner đời mới. Cạnh đó chiếc xe tải của ông đã hơn mười năm bền bỉ cõng người, cây giống, phân gio, dứa, chuối, cộng hưởng để làm nên một Thào Dìn nổi tiếng khắp nước.
Nhìn ngắm cơ thể săn chắc, khỏe mạnh của lão nông miền cao này tôi thấy phát thèm. Thào Dìn tôi gặp năm 2019 so với Thào Dìn trên phóng sự “Thào Dìn có ô tô”, tác phẩm đoạt giải Vàng trong liên hoan phim tòa n quốc cách đây mười mấy năm không khác nhau bao nhiêu, giá tôi cũng được trẻ mãi, khỏe mãi như ông.
Bắt tay Thào Dìn tôi hồ hởi:
- Thế nào, năm nay thu hoạch khá chứ tỷ phú?
Thào Dìn cười:
- Đang đói nhà báo ạ!
Tôi cười:
- Anh mới tậu con xe ngót tỷ rưỡi mà kêu đói…
- Đói chứ, năm ngoái xuất mười nghìn đồng một cân chuối, năm nay còn bẩy nghìn thôi, thế không phải là đói à.
Thì ra là thế.
Thào Dìn kéo chúng tôi vào nhà, pha nước, mời thuốc. Chủ khách chưa xong những câu thăm hỏi xã giao, ấm trà Tuyết Shan chưa tàn thì mâm rượu đã dọn lên, toàn đồ gia chủ có sẵn như thịt lợn xào cải mèo, lạp xường rán, đậu hũ, đậu xị, đặc biệt là chai rượu ngô thơm nức mũi.
Lần nào cũng vậy, cứ ngồi uống rượu với người Mông thật thà, trầm tĩnh, làm nhiều hơn nói này tôi lại khám khá thêm những điều mới mẻ. Lần thì ôn nghèo kể khổ về mảnh đất chôn rau cắt rốn Dìn Chin quanh năm khô khát. Lần thì nhớ lại những ngày tháng gian nan khi cùng cả dòng họ Thào tới mảnh đất Cốc Phương hoang vu đầy mìn giăng bẫy. Lần thì mang sức lực sang bên kia biên giới làm thuê rồi vỡ vạc ra cách làm ăn mang lại giàu có của người đồng tộc bên kia biên giới để học hỏi rồi mang về gây dựng trên đất mình. Lần chập chững phấp phỏng với chuối dứa mùa được mùa không. Còn lần này… Nhớ chuyện vụ thu hoạch dứa thắng lợi đầu tiên ông Thào Dìn cùng ông Thào Minh gùi cái thủ lợn rõ to cùng với gạo nếp nương, rượu ngô và những quả dứa đầu vụ vàng ươm lên tận thị trấn Mường Khương dâng tặng chủ tịch huyện Hoàng Chúng, tôi gợi chuyện:
- Năm ấy nghĩ thế nào mà các anh lại mang lễ hậu hĩnh lên tạ lễ chủ tịch huyện.
Đặt bát rượu xuống mâm Thào Dìn trầm ngâm:
- Người Mông mình ân oán phân minh, Chủ tịch Chúng tìm gỡ rối cho cả họ Thào ở Dìn Chin, dẫn ngót trăm con người tới đây mở đất dựng nhà, có nhà có nương có cái ăn cái mặc thì phải nhớ tới chủ tịch chứ!
- Nhưng đây là chính sách giãn dân lên bảo vệ biên giới của huyện, của tỉnh mà.
- Biết thế nhưng người Mông coi trọng người đứng đầu lắm. Ở nhà thì ông bà, bố mẹ, ra cửa là trưởng bản, bí thư, chủ tịch xã, cao hơn nữa là bí thư, chủ tịch huyện, rồi đến tỉnh, rồi đến nước. Những con chim đầu đàn ấy dẫn đến đâu đàn bay theo đấy. Chủ tịch Chúng bỏ công bỏ sức làm chúng tôi có của ăn của để mà không nhớ tới ông ấy là được chim quên nỏ đấy.
Quả là trọng tình trọng nghĩa, biết xuôi biết ngược, tôi nối lại mạch chuyện làm ăn của Cốc Phương, như gãi đúng chỗ ngứa, Thào Dìn sôi nổi bộc bạch. Ông nói về cái “đói” của người dân Cốc Phương năm nay không xuất khẩu được qua tiểu ngạch. Những năm trước bên này bên kia chỉ cách nhau con suối nhỏ, gùi chuối lội qua mấy chục bước chân là đã có người đón đỡ, năm nay bên kia không nhận hàng tiểu ngạch, chuối phải đi đường chính ngạch tận Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nên chi phí vận chuyển tăng, công sức bỏ ra nhiều hơn.
Trước đây chuối chưa đăng ký thương hiệu nên quả ngon nhiều bán được giá đắt, quả ngon ít bán giá rẻ, lớn bù bé bán được hết. Giờ có thương hiệu rồi, ra đến cửa khẩu quốc tế hàng hóa phải thực hiện truy xuất nguồn gốc, phải lo chất lượng từ lúc ra hoa đến lúc thu hoạch, bảo quản. Ông bảo cả tỷ dân Trung Quốc thích ăn chuối nhưng chỉ khí hậu, chất đất của mấy tỉnh biên giới giáp Việt Nam trồng được chuối nên việc tiêu thụ vô tư, chỉ sợ không có chuối tốt để bán thôi. Trồng, chăm sóc chuối theo cách bán công nghệ học được của bà con đồng tộc bên kia biên giới chi phí không quá năm mươi phần trăm, nhà ông với ba vạn rưỡi vạn gốc chuối, mỗi năm thu ngót ba trăm tấn quả, giá cả có thấp thì cũng hụt thu nhập chứ làm sao mà đói được.
Nhà ông đã vậy, các nhà khác cũng vậy, Cốc Phương có hơn năm chục hộ thì gần năm chục hộ khá giả, không có hộ nghèo. Rồi chuyện cùng bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên mốc giới. Chuyện bản Cốc Phương kết nghĩa với đội sản xuất Điền Phòng bên kia biên giới, mô hình kết nghĩa đầu tiên trên suốt dải biên giới Việt Trung nhằm hai bên giúp nhau giữ gìn an ninh biên giới, giúp nhau giống cây, cách trồng, chăm sóc chuối, dứa, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu văn hóa đã có hiệu quả rõ rệt và hiện nay đang được nhân rộng ra khắp tuyến biên giới…
Hứng khởi, Thào Dìn rời mâm dẫn chúng tôi đi thăm rừng cao su hơn một nghìn gốc đến kỳ thu hoạch, thăm mấy quả đồi bát úp nối nhau trồng hơn ba vạn gốc chuối, thăm đồi dứa đang bật mầm. Khi chia tay nhau, ông chặt một buồng chuối cỡ năm sáu mươi cân cẩn thận để lên cốp xe tôi, nói mang về làm mâm ngũ quả cúng tổ tiên. Tấm lòng người nông dân vùng cao làm chúng tôi cảm động, chắc chắn tôi sẽ chọn nải chuối đẹp nhất để dâng cúng tổ tiên, trong lời cúng đầu năm ngoài cầu mong phúc lộc thọ may nắm cho gia đình, cầu mong quốc thái dân an sẽ có cầu mong người dân biên ải chân cứng đá mềm cùng những người lính biên phòng canh giữ phên dậu Tổ quốc.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/xuan-nay-coc-phuong-z8n20200120093238285.htm