Xử lý vi phạm đê điều: Rà từng trường hợp, không để tái diễn

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, các địa phương đang tập trung rà soát, lên kế hoạch chi tiết, xử lý các trường hợp vi phạm về đê điều. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều trường hợp đã tự nguyện tháo dỡ, khắc phục vi phạm, trả lại hành lang đê.

Phân loại xử lý từng trường hợp

Nhằm tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai, ngày 9/3, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các huyện, TP có đê, các cơ quan liên quan tập trung xử lý vi phạm. Theo đó, đến hết ngày 30/6, các địa phương phải xử lý dứt điểm 116 trường hợp, trong đó có 66 vi phạm về đê điều, còn lại là bến bãi chất tải, kinh doanh vật liệu. Theo ông Bùi Liên Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), để giải quyết dứt điểm, ngay sau khi có chỉ đạo, Chi cục yêu cầu các Hạt quản lý đê điều phối hợp với chính quyền địa phương chủ động rà soát, phân loại, từ đó có kế hoạch xử lý vi phạm.

Một trường hợp tự ý san lấp, tổ chức sản xuất cọc bê tông vi phạm hành lang đê tại xã Quang Châu (Việt Yên) phải giải tỏa trước 30/6.

Thực tế, ngay sau khi có chỉ đạo, UBND các huyện, TP xây dựng kế hoạch cụ thể. Xã Yên Sơn (Lục Nam) có 9 trường hợp phải xử lý đợt này (cả huyện có 24 trường hợp) chủ yếu là trồng cây lâu năm trên mái đê, sát chân đê; đổ cột bê tông, xây tường rào sát chân cơ đê phía đồng… Trên cơ sở kế hoạch của huyện, UBND xã phân loại, tập trung tuyên truyền đối với những trường hợp dễ xử lý. Nhờ đó đến nay có 3 trường hợp đã tự tháo dỡ công trình vi phạm.

Điển hình như gia đình ông Vũ Văn Luân ở thôn Chiến Thắng đã phá bỏ gần 100 cây bạch đàn 2 tuổi được trồng trong phạm vi hành lang bảo vệ đê. Hay gia đình ông Nguyễn Văn Tỉnh ở thôn Chản Làng cũng đã cắt toàn bộ cây trồng trên phần cơ đê. Tương tự, tại Việt Yên, để xử lý dứt điểm 22 trường hợp vi phạm, UBND huyên yêu cầu hai xã Tiên Sơn, Quang Châu phối hợp với cơ quan chức năng của huyện, tỉnh hoàn thiện, thiết lập hồ sơ các trường hợp vi phạm.

Ông Tống Việt Lâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nói: “Hiện chúng tôi đã phân loại xong các trường hợp vi phạm, từ đó thông báo đến 100% chủ thể để tự giác tháo dỡ, giải tỏa. Dự kiến có khoảng 50% trường hợp chủ động khắc phục vi phạm trong thời gian tới. Với những trường hợp không tự giác tháo dỡ trước ngày 30/5, chúng tôi sẽ thiết lập, củng cố hồ sơ thực hiện cưỡng chế trong tháng 6”.

Không để tái diễn

Qua thống kê, tính đến 31/12/2020, tổng số vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai còn tồn đọng trên địa bàn toàn tỉnh là 2.052 trường hợp, trong đó tổng số vi phạm tồn tại trước khi Luật Đê điều có hiệu lực (vi phạm Pháp lệnh Đê điều) nằm trong khu vực dân cư làng cổ khó xử lý là 1.800 trường hợp. Trong số 116 trường hợp phải xử lý dứt điểm trước ngày 30/6, dù vi phạm không nghiêm trọng song việc xử lý của chính quyền địa phương cũng gặp khó khăn.

Điển hình như Công ty TNHH Đức Bình, thôn Quang Biểu, xã Quang Châu (Việt Yên). Hiện doanh nghiệp (DN) này đã có giấy chứng nhận kinh doanh vật liệu xây dựng, đã có hợp đồng thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vừa qua, để vận chuyển vật tư, DN đã xẻ dốc xuống khu vực bến bãi. Tuy nhiên do chưa được cấp phép mở bến thủy nội địa (phần đất 10m từ mép sông vào chưa được giao cho DN- PV) nên DN này đã vi phạm. Hay như việc xây lán chăn nuôi cách chân đê phía đồng 3m của gia đình ông Nguyễn Đức Chiến ở xã Bắc Lũng (Lục Nam).

Theo Quyết định số 855 ngày 9/3/2021 của UBND tỉnh, từ nay đến hết ngày 30/6, các địa phương phải xử lý dứt điểm 116 trường hợp, trong đó 66 vi phạm về đê điều, còn lại là bến bãi chất tải, kinh doanh vật liệu. Các địa phương có nhiều vi phạm phải xử lý gồm: Lục Nam (24 trường hợp), Việt Yên (22), TP Bắc Giang (18), Hiệp Hòa (16), Yên Dũng (16)...

Khi cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, ông Chiến cho rằng những năm trước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi, vừa rồi mới khôi phục chăn nuôi trở lại, nếu phá dỡ, gia đình sẽ lâm vào cảnh trắng tay. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam cho biết: “Với trường hợp trồng cây, chúng tôi linh động yêu cầu các hộ chặt bỏ cây ở sát chân đê, phần còn lại giữ để chắn sóng. Với gia đình ông Chiến, chúng tôi đang nghiên cứu để đề xuất chỉ phá bỏ một phần diện tích chuồng trại có thể ảnh hưởng an toàn hành lang đê”.

Theo Chi cục Thủy lợi, cùng với tập trung xử lý các trường hợp theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, các địa phương đã xử lý gần 10 trường hợp vi phạm phát sinh mới. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại các hành vi xâm lấn công trình đê điều, có trường hợp dù xử lý nhiều lần vẫn tái phạm. Do đó, việc tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm sẽ góp phần răn đe, ngăn ngừa tái phạm.

“Quá trình thực hiện giải tỏa, đặc biệt từ ngày 20/6, chúng tôi sẽ thành lập các tổ kiểm tra đột xuất tại các địa phương. Nếu phát hiện vi phạm chưa được giải quyết triệt để, có dấu hiệu tái diễn, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chấn chỉnh, phê bình chính quyền các địa phương”, ông Bùi Liên Sơn nói.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/356603/xu-ly-vi-pham-de-dieu-ra-tung-truong-hop-khong-de-tai-dien.html