Xử lý chất thải trong ngành xi măng: Thiếu cơ chế khuyến khích
Việc sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế 'đồng xử lý chất thải' trong lò nung xi măng là một trong các giải pháp giúp cho DN sản xuất sạch hơn.
Hiện, công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng đang phổ biến do có lợi thế về nhiệt độ cao lên đến 2.000 độ C, thời gian lưu cháy dài, môi trường kiềm sẽ được xử lý hoàn toàn, triệt để các loại chất thải nguy hại. Năng lượng nhiệt thu hồi và các khoáng chất sẽ được trộn lẫn cùng clinker.
Ông Lương Đức Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam - đánh giá, đồng xử lý giúp giảm chi phí tồn trữ, xử lý, giảm không gian để chôn lấp, tận dụng được nhiệt năng, giảm lượng tiêu hao than. Trong quá trình đồng xử lý, nhiệt độ thiết bị tiền nung từ 1.150 độ C - 1.200 độ C, nhiệt độ lò nung 1.450 độ C nên triệt tiêu hoàn toàn dioxin, funrua, PCB, giúp giảm phát thải CO2 do tận dụng chất thải, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Việt Nam là nước sản xuất xi măng lớn trên thế giới, năng lực sản xuất clinker sẽ đạt trên 100 triệu tấn/năm với 57 nhà máy sản xuất xi măng và 81 dây chuyền. Nhu cầu nhiên liệu để nung clinker ở Việt Nam hàng năm là rất lớn, tương đương trên 10 triệu tấn than/năm (nhiệt trị 6.000 kcal/kg)
Chính phủ đã có chủ trương sử dụng nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker đã đưa ra yêu cầu cụ thể cho các năm mốc 2030 (15%) và 2050 (30%). Để đạt được mục tiêu này, đối với việc tái sử dụng và đồng xử lý chất thải trong ngành xi măng thì tất cả các dây chuyền sản xuất phải sử dụng nguyên liệu thay thế từ chất thải công nghiệp với tỷ lệ 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
“Đã có một số doanh nghiệp sử dụng nhựa không thể tái chế làm nhiên liệu sản xuất clinker, nhưng mức sử dụng toàn ngành còn thấp khoảng 1%. Do đó, tiềm năng sử dụng chất thải nhựa không tái chế làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker ở Việt Nam là rất lớn” - ông Long cho biết
Lý do chính khiến tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế trong ngành xi măng còn thấp được các doanh nghiệp và chuyên gia cho là, do thiếu chính sách khuyến khích, ưu đãi cũng như còn nhiều rào cản và thách thức đối với đồng xử lý chất thải.
Hiện, cả nước có 117 cơ sở xử lý chất thải nguy hại được cấp phép, trong đó, có 3 đơn vị đồng xử lý trong lò nung xi măng, một số đồng xử lý khác gồm: Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam; Nhà máy Xi măng Holcim Hòn Chông (Kiên Giang) công suất đồng xử lý chất thải nguy hại khoảng 230 nghìn tấn/năm; Công ty Cổ phần (CP) Tập đoàn Thành Công (Hải Dương) công suất đồng xử lý chất thải nguy hại khoảng 190 nghìn tấn/năm và Công ty Xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Theo ông Đỗ Xuân Thịnh - Phòng Kỹ thuật, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, chi phí sử dụng năng lượng chiếm 30 - 40% tổng giá trị sản phẩm. Giá năng lượng đang cao có thể chiếm đến 50% chi phí nhiên liệu. Sử dụng chất thải là nhiên liệu trong lò nung xi măng hiện nay vướng chính là thủ tục cấp giấy phép mất thời gian và các quy định, chính sách chưa đồng bộ, không có quy định cho việc hỗ trợ chi phí xử lý chất thải trong sản xuất xi măng... Điều này dẫn đến các đơn vị sản xuất xi măng khó tham gia đồng xử lý chất thải
Ông Đỗ Tiến Đoàn - Vụ Quản lý chất thải - Bộ Tài nguyên và Môi trường): Sẽ sửa đổi QCVN 41:2011/BTNMT cho phù hợp, trong đó, đưa ra quy chuẩn đồng xử lý chất thải (bao gồm cả chất thải nhựa, chất thải thông thường…) và quy định cụ thể, thống nhất đối với hệ thống xử lý khí thải trong lò nung xi măng: Có công đoạn khử NOx; quy định về tỷ lệ chất thải tối đa đưa vào đồng đồng xử lý so với công suất hoặc nguyên, nhiên liệu đầu vào...