Xôn xao clip nữ sinh bị đánh hội đồng dã man ở Hải Dương
Mới đây, trên mạng xã hội liên tục lan truyền clip ngắn về việc một nữ sinh bị đánh hội đồng là học sinh Trường THCS Hồng Lạc (Hải Dương), gây bức xúc.
Mới đây, trên mạng xã hội liên tục lan truyền clip ngắn về việc một nữ sinh bị đánh hội đồng xảy ra tại tỉnh Hải Dương.
Theo nội dung clip được chia sẻ, một nữ sinh lớp 7 sinh sống ở TP. Hải Dương chuyển về với ông bà tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Sau đó, nữ sinh được gia đình xin chuyển về Trường THCS Hồng Lạc (huyện Thanh Hà) học tập.
Theo người chia sẻ thông tin, sự việc xảy ra vào ngày 26/8 tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Cụ thể, khi đến trường chuẩn bị cho năm học mới, nữ sinh lớp 7 này đã bị nhóm nữ sinh đánh hội đồng ở trên đường. Một nữ sinh mặc áo hồng liên tục túm tóc, giật ngã nữ sinh mặc áo trắng đè ngã xuống đường.
Tiếp sau đó, một nữ sinh mặc áo trắng khác lao vào giật tóc, liên tục đá vào người, lên gối vào vùng đầu của nữ sinh. Mặc dù nữ sinh không còn chút phản kháng nào, nhưng nhóm nữ sinh vẫn tiếp tục quay lại đánh hội đồng nạn nhân...
Điều đáng nói, sự việc xảy ra trước mắt một nhóm học sinh nhưng thay vì can ngăn hành vi bạo lực học đường thì nhiều học sinh vây quanh cổ vũ, quay phim. Thậm chí, một số người đi đường chứng kiến sự việc vào can ngăn nhưng cũng bị cản trở.
Sự việc được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc về vấn nạn bạo lực học đường tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng, phải xử lý nghiêm những hành vi ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.
Sáng 28/8, trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Danh Trịnh - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Hà - xác nhận, có sự việc một nhóm nữ sinh xảy ra xô xát thuộc Trường THCS Hồng Lạc.
“Sau khi nắm bắt được sự việc, tôi đã liên hệ với Ban Giám hiệu Trường THCS Hồng Lạc nhanh chóng xác minh xem nhóm nữ sinh xô xát trong clip đăng tải trên mạng xã hội có phải học sinh của trường không. Qua xác định ban đầu, nhóm học sinh đúng đang theo học tại Trường THCS Hồng Lạc”, ông Nguyễn Danh Trịnh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Hà thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Danh Trịnh, do đây là thời gian chuẩn bị cho năm học mới, sự việc lại ngoài phạm vi nhà trường nên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Hà cũng đã có kiến nghị gửi UBND xã Hồng Lạc vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc này.
Trước đó, ngày 27/8, ông Phạm Văn Hy, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Miện 3 (huyện Thanh Miện, Hải Dương) xác nhận, có trường hợp một học sinh lớp 11 có tên M.A. bị đánh xuất hiện trong đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội.
“Ngay khi nắm bắt được thông tin sự việc, nhà trường đã yêu cầu các em làm tường trình, đồng thời nói chuyện, hòa giải với nhau”, ông Phạm Văn Hy cho hay.
Ông Phạm Văn Hy cho biết, sau khi xác minh, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu nữ sinh đánh bạn viết bản tường trình.
Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng trưa 22/8, 2 nữ sinh xảy ra xô xát học cùng lớp. Vụ việc khiến em M.A. ảnh hưởng tâm lý, lo lắng tiếp tục bị bạn đánh khi tới trường nên gia đình đã phản ánh tới ban giám hiệu.
Theo bản tường trình của các học sinh, nguyên nhân xảy ra xô xát chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, thách thức nhau trên mạng xã hội. Hình ảnh vụ việc lan truyền trên mạng xã hội do nữ sinh M.A. ghi lại.
Nhà trường đã mời phụ huynh hai học sinh trong sự việc nêu trên đến trường để trao đổi, xác minh. Đồng thời, nhà trường cũng có các biện pháp giáo dục phù hợp, đảm bảo môi trường học đường lành mạnh để học sinh bước vào năm học mới.
Cùng ngày, ban lãnh đạo nhà trường đã tới nhà để thăm hỏi, động viên, giải tỏa tâm lý cho em M.A, đồng thời gia đình em G.H. đã đến nhà gặp gỡ, xin lỗi.
Liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, mỗi hành động của con người đều xuất phát từ cảm xúc, nhưng trong câu chuyện về bạo lực học đường thì các em đã có ý định sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Cách sống của các em không chứa đựng sự yêu thương hay những giá trị khoan dung và tôn trọng nhau. Chính về cách nhìn đó mà họ chọn bạo lực để giải quyết chứ không giải quyết trên thương lượng, hòa bình, trái với những gì được giảng dạy ở trên ghế nhà trường.
“Bạo lực học đường cần được ngăn chặn khi và chỉ khi có các tính chất pháp lý, có các chế tài nghiêm khắc xử phạt. Làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần và danh dự của bạn bè mình thì cần phải xử lý nghiêm, để làm gương cho các trường hợp khác khi có ý định sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề”, PGS.TS Lê Quý Đức đề nghị.