Xóm Động Giá

Chắc có lẽ trước đây thật là lâu, biển đã có ở nơi này, nơi một thời tuổi thơ tôi đã lớn lên cùng năm tháng. Từng đụn cát trắng phau nối nhau chạy dài từ bờ bên phía biển lên đến tận trên này, cách xa hàng cây số. Nơi đã được nên xóm nên làng theo biến thiên của xã hội và tụ cư của người dân. Từ ga xe lửa cũ lên đến chợ Phường theo trục đường Nguyễn Hoàng (nay là Lê Hồng Phong). Trước Trường trung học Phan Bội Châu có con đường cát nhỏ đi vào xóm Động Giá, cùng chằng chịt trong xóm là những con đường cát nhỏ khác chạy theo xóm, theo làng. Từ ngã ba bệnh viện, theo đường Lương Ngọc Quyến (nay là Nguyễn Hội ) đi lên, nơi có cái chợ nhỏ mang tên chợ Đồn, cùng cái xóm Cây Duối và xóm Cây Số Một, theo đường 8 lên đến đồn Trinh Tường. Cũng từ xóm Cây Số Một, theo con đường đất đi ra xóm Lò Gạch, xóm gò ông Tịnh, bây giờ đã trở thành Bến xe Bắc Phan Thiết. Gộp chung hết các xóm này lại, trước đây người ta gọi là khu 7, phường Phú Trinh.

Xóm Động Giá

Làm giá trên cát. Ảnh nguồn Internet.

Ngày trước, những con đường trong xóm chỉ toàn cát là cát. Từ trên cát, để có cái mà sống, người ta đã san bằng mặt cát, chỗ thấp làm thành ruộng, chỗ vừa trồng đậu, trồng khoai, còn chỗ gò cao người ta làm giá đậu. Ngày ấy, chưa có nước máy đến nơi này, cả xóm chỉ có 2 cái giếng nước ngọt. 1 cái là giếng tự nhiên gọi là giếng công cộng, nước ít mà người thì đông nên để có được nước uống, có khi phải thức đêm canh nhau mới gánh được đôi nước về nhà, vui nhất là những đêm trăng... Cái giếng còn lại là cái giếng tư nhân, do nhóm người làm giá hùn nhau đào để lấy nước ngọt tưới đậu, giếng này có nước ngọt rất nhiều. Muốn gánh được nước ở giếng này, phải canh theo giờ lúc người ta mở nắp giếng gánh nước tưới, mình đến xin người ta cũng cho, nhưng hết giờ là đóng nắp lại nên phải trở lại giếng kia để gánh.

Nghề làm giá cũng không có gì đặc biệt cho lắm, chỉ chịu khó và có đủ 3 nguyên liệu chính để làm là: Cát trắng sạch, đậu xanh giống và nước ngọt. Người ta đan những mành tre lớn, cuốn tròn rồi cột chặt lại thành cái vòng, đặt nằm trên cát. Đường kính của vòng tre từ 1 - 1,5 m tùy theo, chiều cao cũng chừng 1 m. Dùng loại lá dầu đắp phủ bên trong mành từ dưới lên, rồi cứ lớp cát, lớp giống, dày độ 1,5 - 2 tấc, rồi cứ thế cho đến khi lên đến bằng mặt mành. Lớp lá là để chắn cát, khi tưới nước cát không chảy tràn ra ngoài mành tre. Còn cát sạch được đào lấy từ dưới lớp cát sâu, để làm chất dinh dưỡng cho hạt đậu nảy mầm và lớn lên thành cây giá. Mỗi ngày tưới nước đều 2 lần sáng chiều, 3 ngày sau giá đậu mọc mầm, nhưng phải từ 7 - 10 ngày mới thu hoạch được, để cho mầm đủ lớn. Với cách làm thủ công này cùng với những nguyên liệu sạch, cho ra cây giá rất sạch. Không lẫn tạp và hóa chất như bây giờ.

Ký ức tuổi thơ tôi lớn lên ở đó. Trong những kỷ niệm xưa còn đọng lại mãi đến bây giờ là tiếng chuông, trống công phu mỗi buổi sáng chiều của ngôi chùa Phổ Minh ở gần nhà. Chùa này còn có tên là chùa bà cụ Tuần, do bà chánh thất Trà Thị Thục, vợ quan Tuần Phủ họ Phạm đứng ra xây dựng. Tiếng chuông chùa vang trong màn sương buổi sớm và trong cái bảng lảng hoàng hôn chiều muộn nghe êm đềm và thanh bình đến lạ. Tiếng chuông không bị che chắn trong cái không gian chật hẹp, nên vang vọng, nghe cho đến dứt hồi cứ như còn trôi trong mây khói chiều mơ. Cái tâm tư trong trẻo của đứa bé ngày ấy trong tôi vẫn còn in đậm mãi bóng hình các vị sư huynh đệ ở chùa. Ngày ngày vẫn cắp sách cùng tôi đi học, nhưng 2 trường hơi khác, một đạo, một đời. Thứ bảy, chủ nhật tôi còn mang những bài tập khó vào chùa nhờ các thầy chỉ giúp. Ngày trước, nhà chùa sống nhờ vào lòng hảo tâm của Phật tử, và tự thân nhà chùa phải làm việc để có đủ lương thực sinh sống và tu tập. Trong chùa làm đủ các thức ăn chay như tàu hủ, tương đậu. Đi mua lại các loại rau củ rẻ tiền về chế biến lại thành dưa, củ muối, hay phơi khô để nấu ăn dần. Sau những lần thu hoạch giá đậu của người dân, dù làm kỷ thế nào cũng sót lại một ít. Chúng tôi, khi rảnh cứ lên động cát tha hồ bới móc, một hồi, thế nào cũng đầy rổ mang về chế biến. Mỗi bên một cách nhưng tôi biết là đều ngon và chẳng phải tốn tiền. Trong những ngày còn đi học, con đường tôi đi đến trường có đi ngang qua một ngôi nhà mà thời đó ai ai cũng biết. Đó là nhà của một người được dân thời đó đặt tên là Thiếu úy Thọ. Người không được bình thường, diện mạo cũng không có gì đặc biệt, có khi còn giống như ngộ nghĩnh. Đi chân không, vòng quanh cả phố chợ, vung tay, vung chân, miệng huýt sáo, tay xách nách mang, ai cho gì lấy nấy. Đặc biệt, cứ đến đúng giờ tan trường trung học là ông có mặt trước cổng trường. Nghe đồn là ông có thầm thương, trộm nhớ một học sinh nữ nào đó trong trường mà không được đáp lại nên thành ra thất tình. Tay cầm tu huýt thổi rít rít, đưa tay chỉ mọi người. Ý là cố sao mở được con đường cho các nữ sinh ra về thoải mái. Khi không có còi, 1 tay ông để lên môi, luôn mồm suỵt suỵt, tay còn lại chỉ hướng tứ tung. Tuy vậy, chuyện xảy ra nhiều năm, nhưng tôi chưa từng thấy ông phạm lỗi với ai bao giờ. Chỉ có người đời chọc ghẹo ông nhiều thì có...

Thời gian vẫn trôi, mọi cái đều thay đổi. Động Cát giờ đã không còn. Ngôi chùa xưa và cái xóm Động Giá vẫn còn đó, nhưng tên gọi của xóm ít người nhớ đến. Chí ít, chỉ còn lại những người nặng tình, hay đã sinh ra và lớn lên ở đó. Lăn lê, bò toài lớn lên trên cát, trong lòng mỗi người chắc còn nhớ đến đầu nhọn của cây gai lưỡi long !

Nguyễn Dũng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/xom-dong-gia-131621.html