Xóa bỏ độc quyền, giá vàng lập tức sẽ hết 'điên loạn'

Ngân hàng Nhà nước bán rẻ vàng SJC sẽ làm giàu cho các cửa hàng vàng nhưng bán quá đắt lại thúc đẩy giá vàng SJC lên tầm cao mới.

Giá vàng SJC tăng mạnh cho thấy việc đấu thầu vàng không hiệu quả. Có thể thấy rõ sự lúng túng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi liên tiếp niêm yết giá tham chiếu đấu thầu vàng SJC quá cao đã thúc đẩy giá vàng SJC trên thị trường tăng lên một mức không tưởng.

NHNN có thể giảm giá tham chiếu đấu thầu vàng SJC sát với giá vàng thế giới nhưng cách làm này không khác việc đem lại lợi ích cho các đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh vàng SJC. Vì một thị trường vàng SJC độc quyền như hiện nay, rất khó có chuyện bên bán muốn giảm đi lợi nhuận.

Trong khi các ngân hàng trung ương toàn cầu tích cực mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối thì việc NHNN bán vàng lại đi ngược chiều với xu hướng, chưa kể sẽ đặt tổ chức này vào việc rất khó giải bài toán chính sách tiền tệ nếu tung lượng vàng quá lớn và giá rẻ ra thị trường.

Bởi vì NHNN phải dùng ngoại tệ nhập khẩu vàng, nhưng lúc này câu chuyện tỉ giá còn đang chịu nhiều sức ép do bối cảnh kinh tế thế giới. NHNN phải tiết kiệm từng đồng ngoại tệ để đảm bảo sự ổn định của tiền đồng tránh các cú sốc lên nền kinh tế.

Để giảm thế khó của NHNN thì nên để tổ chức này chuyên tâm điều hành chính sách tiền tệ thay vì đau đầu suy nghĩ đi mua bán vàng.

Vàng nên xem xét là một loại hàng hóa và được cấp phép có hạn ngạch nhập khẩu vàng cho các đơn vị kinh doanh có uy tín nhằm tăng cung vàng và từng bước giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Tuy nhiên, cách làm này cũng chưa chắc mang lại hiệu quả tối ưu. Vì ngay cả khi cho phép các doanh nghiệp tự cân đối ngoại tệ để nhập khẩu vàng theo hạn ngạch, cũng có nhiều vấn đề khác xảy ra.

Một lượng lớn ngoại tệ tung ra mua vàng, rồi sau đó bán ra thị trường, và người dân mua vàng để cất trữ trong két. Rất dễ hình dung câu chuyện này là tiền đồng sẽ giảm giá. Tiền đồng giảm giá trị sẽ gây tác động lên các biến số lãi suất, lạm phát, tỉ giá, niềm tin...

Điều tốt nhất có lẽ nên xem xét thương hiệu vàng miếng khác có giá trị ngang bằng với vàng thương hiệu SJC. Nói cách khác, NHNN bỏ sự độc quyền và trả lại giá trị vàng miếng cho thị trường tự điều tiết.

Cách nay không lâu, bản thân NHNN cũng đã đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Ngoài ra, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá

TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Việc NHNN không còn nắm giữ độc quyền thương hiệu vàng SJC cũng như trao quyền nhập khẩu vàng cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng sẽ giúp cung cầu trên thị trường cân bằng hơn. Đồng thời động thái này cũng giúp kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới (có thời điểm giá vàng SJC cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng - PV).

Điều này cũng có nghĩa khi có nhiều thương hiệu vàng miếng, nhiều công ty sản xuất sẽ đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nguồn cung vàng không bị thắt chặt thì tình trạng vàng miếng không còn bị khan hiếm. Những người có nhu cầu mua vàng để tích lũy làm tài sản phòng ngừa rủi ro sẽ không còn phải bị mua với giá rất đắt đỏ như hiện nay.

Cụ thể là lâu nay sự độc quyền về nhập khẩu vàng và thương hiệu vàng miếng SJC của NHNN đã tạo ra sự chênh lệch không chỉ với giá vàng thế giới, mà cả các thương hiệu vàng trong nước khác, dù chất lượng vàng tương đương nhau.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xoa-bo-doc-quyen-gia-vang-lap-tuc-se-het-dien-loan-post790021.html