'Xin lỗi Bộ trưởng, lực lượng công an quá đông'
Nhiều ý kiến lo ngại phình bộ máy tăng kinh phí, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm n đã có những trả lời thẳng thắn các ý kiến mà Đại biểu quốc hội đưa ra.
Tăng 804.000 người hưởng ngân sách, không phải giảm 500.000 người?
Sáng 17/11, thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) cho biết, theo hồ sơ dự án luật thì nếu được thông qua, lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở sẽ có 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người thuộc lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở so với hiện nay, con số này chưa thực sự thuyết phục.
Đại biểu Bộ nêu dẫn chứng, theo Pháp lệnh Công an xã, hiện nay chỉ có 126 nghìn công an xã bán chuyên trách. Theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP về việc bảo vệ dân phố chỉ có ở phường, thị trấn và số lượng thực tế là 70 nghìn người. Còn theo Luật Phòng cháy, chữa cháy, hiện nay do không chịu được chi phí ngân sách, nên mới chỉ có 23% số cơ sở thành lập lực lượng này và con số thực tế là 500 nghìn người.
Như vậy, thực tế, 3 lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay là 696 nghìn người, trong đó chỉ có 2 lực lượng có tổng số người bằng 196 nghìn người là công an xã bán chuyên trách cùng bảo vệ dân phố thường xuyên, còn 500 nghìn dân phòng theo Khoản 2, Điều 46 Luật Phòng cháy, chữa cháy chỉ được hưởng ngân sách khi thực sự làm việc, hoặc khi được bồi dưỡng nghiệp vụ.
“Nếu thông qua dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, thì số lượng người tăng thêm để hưởng ngân sách hàng tháng địa phương là 804 nghìn người, chứ không phải giảm đi 500 nghìn người” – ông Bộ nói.
Ngoài ra, đại biểu đoàn An Giang cũng đưa ra một vấn đề bất hợp lý trong dự luật này: "Theo các điều từ 19 - 22 dự thảo luật này, ngân sách địa phương phải chỉ trả từ trụ sở, phụ cấp, bảo hiểm…tôi e rằng ngân sách của địa phương sẽ không còn để đầu tư phát triển, bố trí cho an sinh xã hội".
Từ đó, đại biểu này đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Nội vụ "Bộ trưởng có ý kiến gì về việc 804.000 người tăng thêm này, trong đó 500.000 người đang hưởng phụ cấp vụ việc lại chuyển vào hưởng phụ cấp hằng tháng?", và câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính "Đề nghị Bộ trưởng tạm tính chi phí trụ sở, để cho lực lượng này hoạt động thì sẽ chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong ngân sách của địa phương?".
Xin lỗi Bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội đặt câu hỏi về việc xây dựng thêm một lực lượng không, khi mà hiện nay lực lượng công an chính quy đã được đưa về xã để thay thế lực lượng công an xã không chuyên trách.
Tướng Sùng Thìn Cò cho rằng, cần phát huy tốt vai trò của lực lượng này và tin tưởng vào hệ thống chính trị từ trung ương xuống địa phương, cơ sở, xã phường, thôn bản, tin tưởng nhân dân.
"Không có việc gì mà dân không nắm được, dân không biết. Chúng ta không biết tại vì chúng ta không tốt, chúng ta không làm tốt công tác dân vận, nắm tình hình. Xin lỗi bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông. Một tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa. Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?" – đại biểu Sùng Thìn Cò nói.
Thiếu tướng Cò cũng hỏi nếu xác định lực lượng này là rất quan trọng thì tại sao không sử dụng ngay từ đầu để lực lượng này đủ sức làm nhiệm vụ, trong khi hiện nay đang đưa lực lượng chính quy xuống xã. Từ đó, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các đại biểu cân nhắc đối với dự luật này.
Giảm chi ngân sách cho 3 lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở là chưa có cơ sở
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn liệu có cần thiết phải ban hành Luật này hay không. Theo đại biểu Hòa, hiện nay lực lượng tham gia bảo vệ cơ sở có: dân phòng, ban bảo vệ dân phố, công an viên không chuyên trách, tổ tuần tra biên giới và lực lượng dân quân.
Khẳng định đã nắm số liệu rất chắc và chịu trách nhiệm về số liệu mình cung cấp, đại biểu Hòa cho rằng, dự Luật đưa ra con số giảm 500.000 người là không thực tế. Vì các lực lượng trên mỗi địa phương đều khác nhau.
"Có địa phương thành lập tổ dân phòng theo Luật phòng cháy chữa cháy, nhưng có địa phương do điều kiện ngân sách không thành lập lực lượng này. Số liệu trong Tờ trình của Chính phủ đưa ra có 1,5 triệu người tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có nghĩa là tăng chứ không hề giảm", ông Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu Hòa phân tích, 72.556 nghìn người bảo vệ dân phố, mỗi thành viên trung bình chi 1,5 triệu đồng/người/tháng và Nhà nước phải chi khoảng 100 tỷ đồng/tháng thì không đúng thực tế.
Hiện nay, chỉ có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương dồi dào thu ngân sách mới chi cao hơn mức 1.490 triệu đồng, còn lại việc chi ngân sách thấp hơn rất nhiều.
Ông Hòa dẫn ví dụ, mỗi tháng ở Đồng Tháp chi cho ban bảo vệ dân phố 800 nghìn đồng cho trưởng ban, 600 nghìn đồng cho phó trưởng ban, tổ viên là 400 nghìn đồng. Như vậy, thực chi rất ít chứ ngân sách không có để chi 1,5 tỷ đồng/tháng như Tờ trình của Chính phủ.
Ngoài ra, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở như theo Tờ trình sẽ bội chi ngân sách nhà nước mỗi tháng 375 tỷ đồng. Do đó, số tiền chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ tăng nhiều hơn so với hiện nay.
Ngoài ra, trong dự thảo Luật còn có một số quy định làm tốn kém cho ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, như địa phương phải bố trí trụ sở làm việc, trang bị công cụ hỗ trợ, quần áo, giầy, phù hiệu hàng năm; HĐND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm; Bộ Công an cũng bố trí kinh phí của ngành cho lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở; địa phương nào không bảo đảm chi ngân sách thì ngân sách Trung ương phải bảo đảm theo quy định trong Luật, trong khi đó hiện nay không có quy định các vấn đề trên, vì thế ngân sách nhà nước sẽ rất tốn kém nếu bảo đảm hoạt động cho lực lượng này.
Mời độc giả xem thêm video Quốc hội chính thức xóa sổ dịch vụ đòi nợ thuê: