Xin hãy thực tâm lắng nghe ý kiến giáo viên

Trước khi thực hiện việc gì có tác động sâu sắc đến giáo viên, học sinh xin hãy cho giáo viên được gặp gỡ, góp ý trực tiếp đừng lắng nghe ý kiến của 'đại diện'.

Năm 2020 là năm có nhiều niềm vui, thành công, là năm mà ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành quả đáng trân trọng, để từ đó mỗi giáo viên cảm thấy tự tin hơn, nỗ lực hơn hướng tới một năm mới nhiều thành công hơn, chất lượng được nâng cao hơn về mọi mặt.

Bước sang năm mới 2021, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, dưới góc độ là một giáo viên, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh) có đôi điều gửi gắm với hi vọng kỳ vọng đó sẽ đem lại sự thay đổi để diện mạo giáo dục ngày càng tốt hơn.

Sự thấu cảm từ phía xã hội, phụ huynh

Theo Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, nghề giáo là nghề luôn được đặt kì vọng rất cao. Ngày nay sự kì vọng đó vẫn còn nguyên giá trị cho dù người thầy không tách ra khỏi được những lo toan của cuộc sống thường ngày. Người thầy bị xã hội và cha mẹ học sinh đặt trên vai một nhiệm vụ nặng nề đó là giáo dục học sinh trở thành con người thành đạt, trở thành những “chủ nhân” tương lai của đất nước.

Giáo viên trong thời buổi hiện nay cũng phải đương đầu với những thách thức, phải chu toàn bổn phận và vai trò của người thầy nơi bục giảng, phải hoàn thành nhiệm vụ đối với gia đình.

 Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. (ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. (ảnh: NVCC)

“Giáo viên cũng là con người" - nghĩa là giáo viên cũng có những vất vả, lo toan sau cánh cổng trường; họ cũng có gia đình, có con cái cần phải đưa đón mỗi giờ học... Không những thế, giáo viên còn đang phải xoay xở với đủ loại hồ sơ, các cuộc thi, những buổi dự giờ, những sáng kiến kinh nghiệm,… Đó là chưa kể những việc không tên thầm lặng phía sau bục giảng.

Giáo viên phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận xã hội trước những sự cố ngoài ý muốn trong học đường, trong những giờ dạy trên lớp. Đặc biệt với các cô cậu học trò là con cưng của gia đình thì áp lực ấy sẽ nặng nề hơn trong việc chăm sóc và giáo dục.

Ngày nay, chúng ta dành cho học sinh quá nhiều quyền và đặc ân. Dẫn đến tình trạng học sinh không còn kính trọng và sợ thầy cô như ngày trước nữa. Việc học sinh không thuộc bài, không làm bài một lần, hai lần và thậm chí nhiều lần vẫn là chuyện diễn ra hằng ngày và được các em xem đó là chuyện bình thường, thậm chí có em còn tỏ thái độ thách thức thầy cô,…

Phụ huynh sẵn sàng đến trường đe dọa, hành hung thầy cô, sẵn sàng đưa tất cả các thông tin lên mạng xã hội để lên án… thay vì tìm hiểu rõ ràng đúng sai, tìm ra cách giải quyết tốt nhất thì phụ huynh quay clip, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội chủ yếu đả kích, phê phán thầy cô… những lúc như thế thầy cô chỉ biết im lặng, đơn độc để đối diện với phụ huynh chỉ vì sự khống chế của các văn bản ứng xử văn hóa nơi công sở, vì mang trên vai danh nghĩa “giáo viên”.

Gặp những trường hợp như vậy liệu người thầy có giữ mãi được sự bình tĩnh và không nóng nảy không? Nhưng chỉ một lời nói lớn, nói nặng, một lần trách phạt học sinh là vi phạm đạo đức nhà giáo, bị dư luận lên án...

"Sự tôn vinh người thầy dù ở thời đại nào cũng cần thiết, chúng tôi - những người thầy - cần lắm cái nhìn cảm thông, sự chia sẻ từ xã hội, phụ huynh để có thể dành trọn tâm huyết với nghề, toàn tâm dạy dỗ học sinh", thầy Sơn mong muốn.

Xóa bỏ những cuộc thi, sáng kiến mang tính hình thức

Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 1915/BGDĐT-GDTrH về việc tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông nhưng trên thực tế giáo viên vẫn phải tham gia rất nhiều cuộc thi do nhà trường, do công đoàn ngành phát động, do Liên đội tổ chức, thậm chí là các cuộc thi ở ngay tại địa phương,…

Đã gọi là cuộc thi chắc chắn sẽ có sự thi thố, ganh đua thắng bại, phân loại nhất nhì ba giữa học sinh hoặc giáo viên dự thi, rồi đến phân loại giữa trường này với trường kia… Giáo viên thì quay cuồng với các lượt thao giảng hết khối đến trường, rồi phải nộp để kiểm tra hồ sơ, giáo án, sổ sách, các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, rồi giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Bản chất các cuộc thi, là để giao lưu, học hỏi giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên, giữa các trường với nhau từ đó tạo ra một sân chơi đúng nghĩa hoặc giúp các nhà quản lý chỉnh sửa, điều chỉnh, phát huy các kế hoạch trong năm học,… Nhưng đa phần các cuộc thi hiện nay đều bị biến tướng, nguyên nhân là do sự khen thưởng đều dựa vào kết quả của cuộc thi, đặt cuộc thi với áp lực thành tích phải đạt được.

Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức đã bỏ tiêu chí bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm để được xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng thực tế các trường vẫn yêu cầu giáo viên viết sáng kiến, giải pháp đạt cấp cơ sở mới được xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đã bỏ tiêu chí bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm để được xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng thực tế các trường vẫn yêu cầu giáo viên viết (ảnh: nguồn báo Gia Lai)

Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đã bỏ tiêu chí bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm để được xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng thực tế các trường vẫn yêu cầu giáo viên viết (ảnh: nguồn báo Gia Lai)

Nếu giáo viên hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của sáng kiến kinh nghiệm và thực hiện bằng tất cả trách nhiệm, khả năng của mình thì không có gì đáng phê phán. Nhưng đã có không ít giáo viên luôn đặt nặng vào những danh hiệu cuối năm nên tìm đủ mọi cách kể cả sao chép, mua bán,… để có được một sáng kiến kinh nghiệm, một giải pháp theo yêu cầu của nhà trường.

“Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm được dư luận phản ánh rất nhiều bởi nó mang tính hình thức, không hiệu quả mà lãng phí. Trong các sáng kiến kinh nghiệm mỗi năm thì có rất ít đề tài được áp dụng vào thực tiễn. Ấy vậy, một số người chấm sáng kiến kinh nghiệm lại chưa đủ tầm để thẩm định, đánh giá. Do đó, việc chấm sáng kiến kinh nghiệm cũng thể hiện nhiều bất cập và tạo dư luận không tốt trong nội bộ của nhà trường.

Từ thực tế đó, đã đến lúc ngành giáo dục cần có những thay đổi toàn diện trong các cuộc thi và yêu cầu của những sáng kiến chỉ mang tính hình thức, thiếu thực tế”, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn kiến nghị.

Hãy lắng nghe ý kiến giáo viên

Lắng nghe là một nghệ thuật, một kỹ năng trong giao tiếp. Đối với mỗi cá nhân, có ý nghĩa cực kì quan trọng, góp phần thành công trong công việc. Đối với người lãnh đạo, lắng nghe có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều lần, thay vì làm nổi bật bản thân, thì họ luôn “lắng nghe chân thành” đối với cấp dưới, luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ ý kiến nào.

Ngành giáo dục đang tiến hành đổi mới, tiến hành “lắng nghe” từ các ban ngành, từ xã hội, từ phía phụ huynh và giáo viên. Nhưng việc lắng nghe trên chưa diễn ra theo chiều sâu và đi vào thực chất của vấn đề. Nhiều cơ sở chỉ có lãnh đạo, giáo viên “cốt cán” đi đóng góp ý kiến, sợ trái ý cấp trên nên phát biểu theo kiểu cổ vũ, đồng tình chứ không dám đưa ý kiến khác biệt, ý kiến trái chiều.

“Tôi nghĩ sự phản biện của giáo viên và góp ý của chính học sinh, phụ huynh mới là cơ sở quan trọng để đưa sự đổi mới của ngành giáo dục đi đúng hướng, đáp ứng kì vọng và những mong mỏi của xã hội.

Trước khi thực hiện một việc gì đó có tác động sâu sắc đến giáo viên, học sinh xin hãy cho giáo viên được gặp gỡ, góp ý trực tiếp, đừng lắng nghe ý kiến của “đại diện” vì họ buộc phải nói theo chiều hướng “tích cực””, thầy Sơn nêu ý kiến.

Cha mẹ hãy dành thời gian có “chất lượng” cho con cái

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công và hình thành nhân cách của con cái ở cả trường học và trường đời. Không thể dùng tiền để mua được khoảng thời gian mà các con đang lớn lên, nó trôi qua rất nhanh và không bao giờ quay trở lại. Vì thế, đừng bỏ lỡ những cột mốc quan trọng của con, những khoảnh khắc mà con thực sự cần có sự hiện diện của cha mẹ.

Không ít bố mẹ vì quá cuốn vào vòng xoáy của công việc mà kể cả lúc bên con, đầu óc họ vẫn là những con số, tài liệu,…vô tình cha mẹ đã đánh mất tuổi thơ của con. Các ông bố bà mẹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc chăm sóc con mình để sau này không phải hối tiếc mình đã không ở bên con trong những năm chúng còn thơ bé.

Không một khóa học kĩ năng sống nào hoặc một thầy cô hay một chuyên gia tâm lý nào có các phương pháp dạy dỗ tốt hơn việc bố mẹ dành thời gian chơi cùng con, bằng tình yêu thương cùng sự quan tâm, chăm sóc đối với trẻ.

Để trẻ trưởng thành và phát triển toàn diện, ngoài việc học tập, trẻ cần sự quan tâm của chính bố mẹ. Trẻ cần yêu thương và quan tâm, đó là trách nhiệm của bố mẹ. Bố mẹ cần xếp lại công việc, điện thoại và dành thời gian chất lượng cho con cái vì nó góp phần phát triển cảm xúc của con cái và là một bước quan trọng để biến chúng thành một con người hạnh phúc, có ích.

“Bước sang năm mới 2021, tôi hi vọng những tâm tư, nguyện vọng của bản thân sẽ phần nào góp phần đổi thay tích cực của nền giáo dục nước nhà… Tôi ước mong về một ngôi trường tràn ngập yêu thương, nơi đó có sự “cảm thông, thấu hiểu” của lãnh đạo; sự bao dung của người thầy; sự tri ân, kính trọng của phụ huynh, học sinh… để mỗi ngày đến trường thực sự là “một ngày vui””, thầy Vũ Hoàng Sơn gửi gắm.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/xin-hay-thuc-tam-lang-nghe-y-kien-giao-vien-post214844.gd