Xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ vào học lớp 10, giải quyết thế nào?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói thi vào lớp 10 hiện nay còn khó hơn cả thi vào đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu.

Nhấn mạnh thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào học lớp 10 đã diễn ra trong nhiều năm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi có phải trường công của cấp 3 đang thiếu trầm trọn không và giải quyết thế nào?

Sáng 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6/2023.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào học lớp 10 gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận và áp lực đối với học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội, TP.HCM.

Đây là thực trạng trong nhiều năm, có thể nói thi vào lớp 10 hiện nay còn khó hơn cả thi vào đại học, bà Nga nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vào cuộc để trả lời câu hỏi có phải là đang thiếu trầm trọng trường công của cấp 3 không và thực tế này thì giải quyết thế nào.

Trao đổi sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói, hiện nay, số lượng trường THPT thấp hơn so với số trường tiểu học và trường THCS. Tỷ lệ học sinh lên học THPT được phân luồng bằng điểm thi, điểm cao hơn có quyền được đưa ra các lựa chọn vào trường nào, còn điểm thấp hơn phải sang các tuyến khác. Ngoài công lập có trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề...

“Nhu cầu muốn học cấp 3 nhiều, đặc biệt là công lập vì chi phí thấp hơn rất nhiều so với trường tư thục. Đây là nhu cầu, nguyện vọng thực tế nên cần nghiên cứu giải quyết”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhìn nhận, song cho rằng, việc phát triển thêm trường lớp cũng không đơn giản.

Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh dẫn chứng, thực tế địa phương như Hà Nội hay TP.HCM hàng năm đầu tư nhiều cho xây dựng trường lớp. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn tiền thì cần quỹ đất, biên chế giáo viên đều khó khăn.

Đặc biệt, ông Vinh phân tích, đối với T.PHCM theo con số theo thống kê để báo cáo thì dân số có 9,2 triệu người, nhưng con số thực tế ước tính kể cả dân số vãng lai là khoảng 14 triệu người. Như vậy, số chênh lệch 5 triệu người này nếu không tính để đưa vào chính sách thì sẽ rất khó khăn trong việc đưa ra một chính sách phù hợp, cho nên Thành phố thiếu gần 7.000 phòng học.

Để giải quyết việc này một cách căn cơ, tổng thể thì không dễ chút nào, không phải cứ đơn giản chúng ta bỏ nhiều tiền ra là làm được, ông Vinh nói.

Đề cập vấn đề giáo viên, ông Vinh cho biết, hiện nay có tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là tại các đô thị lớn do quá trình người dân từ các tỉnh, thành di cư tới sinh sống, làm việc tại đô thị. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, học sinh thiếu nhưng số biên chế giáo viên vẫn giữ. Đây cũng là vấn đề phải giải quyết, ông Vinh nhấn mạnh.

Vẫn theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục, đào tạo Chính phủ nghiên cứu sâu, có giải pháp căn cơ hơn thì mới giải quyết được vấn đề bà Nga nêu.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xep-hang-thau-dem-nop-ho-so-vao-hoc-lop-10-giai-quyet-the-nao-d193853.html