Xe tăng Iran chặn đứng đòn đánh của TOW
Bộ Quốc phòng Iran vừa công bố phiên bản mới của tăng Karrar tự phát triển, dòng tăng được đánh giá có thể chặn đứng đòn đánh của tên lửa TOW.
Hình ảnh về cỗ tăng mới được tiết lộ hôm 13/8 trong chuyến thăm dây chuyền nâng cấp cấp tăng Karrar tại Khu liên hợp công nghiệp Bani Hashim ở Dorud của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Amir Hatami.
Những nâng cấp và trang bị mới dành cho tăng Karrar sẽ tập trung vào hệ thống điều khiển hỏa lực quang điện tử mới, máy đo xa laser, máy tính đường đạn, tháp pháo điều khiển từ xa, hệ thống nhìn đêm.
Đặc biệt, gói trang bị mới của Karrar còn có hệ thống phòng vệ giúp cỗ tăng này có thể đối phó được nhiều loại tên lửa chống tăng khác nhau, trong đó có cả TOW do Mỹ sản xuất.
Ngay khi Iran ra mắt dòng xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar, giới quân sự nhận định rằng, đây có thể là một phiên bản Iran tự sao chép tăng T-90 hoặc là Nga đã hỗ trợ công nghệ cho Iran sản xuất Karrar tương tự T-90.
Trong khi đó, một số chuyên gia quân sự đã phát hiện ra rằng, xe tăng mới của Iran có một số khác biệt so với T-90MS và giống như phiên bản T-72S Shilden của Iran hơn.
Những điểm khác biệt giữa Karrar với T-90 như sau: Chiếc xe tăng Iran có một chụp gốc nòng pháo, không có thùng nhiên liệu phía sau như trên T-90MS và tổ hợp súng máy điều khiển xa có kích thước lớn hơn. Ngoài ra, còn có một số đặc điểm bố trí ở phần đuôi xe rất giống với dòng xe tăng T-72.
Đây là những thay đổi khá nhỏ có thể nhận thấy, nhưng sự khác biệt có thể là đủ để cho thấy khả năng đây là một phiên bản mô phỏng và nâng cấp sâu của tăng T-72 Iran. Điều này cũng phù hợp với xu hướng sản xuất vũ khí của giới quân sự nước này, bởi từ trước đến nay, Tehran đã không sản xuất bất cứ chiếc xe tăng nào hoàn toàn mới, với số lượng lớn.
Những gì giới công nghiệp quốc phòng nước này có thể làm là cải tiến, nâng cấp một số lượng hạn chế xe tăng dựa trên thiết kế cũ của nước ngoài và trên một quy mô tương đối nhỏ, ví dụ như tăng Zulfiqar 3 của Iran có hình dạng na ná như M1 Abrams Mỹ hay Tiam được xây dựng trên khung gầm M47 của Mỹ.
Hơn nữa, thông tin vừa qua Iran muốn hỏi mua T-90MS của Nga càng được coi là cơ sở chắc chắn để những người theo giả thiết 1 khẳng định rằng, Karrar có thể chỉ là một phiên bản nâng cấp T-72S của Iran chứ không được chuyển giao công nghệ từ Nga.
Truyền thông Trung Đông cũng từng đưa tin về việc Iran và Nga có thể thực hiện các giao dịch vũ khí bí mật. Các quan chức Iran có thể mua công nghệ sản xuất hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật từ Uralvagonzavod - công ty của Nga sản xuất T-90. Nhưng khả năng này là rất thấp, bởi có những công nghệ trên T-90 là tối mật.
Chính vì vậy, sức mạnh thực sự của cỗ tăng Karrar hiện vẫn là dấu hỏi lớn chưa có lời đáp.