Xe ô tô 7 chỗ chở quá số người quy định sẽ bị phạt thế nào?

Xin hỏi pháp luật hiện nay quy định xe ô tô 7 chỗ chở quá số người quy định sẽ bị phạt như thế nào? - Độc giả Quang Bình

1. Xe ô tô 7 chỗ chở quá số người quy định sẽ bị phạt thế nào?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm o khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Theo đó tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm o khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ.

Như vậy, xe ô tô 7 chỗ được chở không quá 8 người (bao gồm luôn người lái). Trường hợp trên xe ô tô 7 chỗ có từ 9 người trở lên thì sẽ bị xử phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá, nhưng tổng số tiền không vượt quá 75.000.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Xử phạt bổ sung:

+ Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng với trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện.

+ Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng với trường hợp vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện.

- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện.

2. Nộp tiền phạt vi phạm giao thông ở đâu?

Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau đây:

- Hình thức 1: Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;

- Hình thức 2: Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

- Hình thức 3: Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;

Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước theo các hình thức trên hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.

3. Thủ tục nộp tiền phạt vi phạm giao thông

Theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục nộp tiền phạt vi phạm giao thông như sau:

- Trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm, thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức 2 và gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt;

- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp phạt vào tài khoản Kho bạc nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiền phạt được nộp trực tiếp vào tài khoản của Kho bạc nhà nước hoặc gián tiếp thông qua dịch bưu chính công ích, người tạm giữ các giấy tờ để bảo đảm cho việc xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 phải gửi trả lại cá nhân, tổ chức bị xử phạt các giấy tờ đã tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm đối với trường hợp nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch bưu chính công ích đối với trường hợp nộp gián tiếp.

Chi phí gửi quyết định xử phạt và chi phí gửi trả lại giấy tờ do cá nhân, tổ chức bị xử phạt chi trả;

- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể trực tiếp nhận lại giấy tờ đã bị tạm giữ hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xe-o-to-7-cho-cho-qua-so-nguoi-quy-dinh-se-bi-phat-the-nao-271752.html