Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn

Việt Nam có đàn gia cầm lớn thứ 2 thế giới, đàn lợn lớn thứ 5 thế giới và thứ 6 về sản lượng... nhưng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam lại chưa xuất khẩu được nhiều. Muốn xuất khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi thì phải mở rộng và nâng cấp vùng chăn nuôi an toàn dịch theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thực tế này đang khiến ngành Chăn nuôi phải tìm giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, không chỉ kiểm soát dịch bệnh, mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo Cục Thú y, tính đến nay, cả nước có hơn 2.200 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 59 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát khá tốt. Các địa phương, doanh nghiệp đã đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm chăn nuôi...

Đặc biệt, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã xuất khẩu sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm gia cầm chế biến chín đã vào được thị trường Nhật Bản, Nga, Hong Kong (Trung Quốc), các nước thuộc Liên minh châu Âu và dự kiến trong thời gian tới là Hàn Quốc.

Mặc dù, kết quả xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực nhưng nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời gian tới vẫn rất lớn. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì phải nâng cấp vùng an toàn dịch bệnh của mình lên theo tiêu chuẩn của OIE.

Nhiều chuyên gia chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành Chăn nuôi cần sớm khắc phục khi có nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, manh mún, theo hướng tự nhiên... nên việc áp dụng khoa học-kỹ thuật, quản lý an toàn dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập. Việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến còn hạn chế, số cơ sở giết mổ vật nuôi không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều...

Trong khi đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hoạt động giết mổ, biện pháp phòng bệnh bằng thuốc, vaccine...

Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 - 4 tỷ USD vào năm 2030...

Muốn vậy, việc đẩy nhanh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kết hợp đàm phán với các quốc gia nhập khẩu để xây dựng chuỗi xuất khẩu đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để sớm thúc đẩy chế biến, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Đồng thời, phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi ngang tầm khu vực và thế giới; bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 25% đến 30% năm 2025 và từ 40% đến 50% vào năm 2030.

Các chuyên gia kiến nghị, các địa phương cần kịp thời có chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp; bố trí các nguồn lực để tổ chức phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn sinh học; hình thành hệ sinh thái về doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã và nông dân.

Trong hệ sinh thái đó doanh nghiệp phải là trung tâm, tiên phong, để kéo theo các trang trại, các hộ gia đình chăn nuôi truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng. trong hệ sinh thái đó. Doanh nghiệp ngoài việc thúc đẩy phát triển nội tại, cần tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-vung-chan-nuoi-an-toan-post476231.html