Xây dựng văn hóa cộng đồng tại các khu đô thị mới
So với trước đây, những khu đô thị mới ra đời ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân Thủ đô. Sự ra đời của hệ thống các khu đô thị mới dẫn đến việc hình thành những nét văn hóa cộng đồng đặc trưng khác với những khu dân cư truyền thống.
Những lối sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác nhau
Thực tế, cộng đồng cư dân các khu đô thị mới hiện nay thường có sự đan xen, hòa trộn từ những người có nguồn gốc, xuất thân, nghề nghiệp khác nhau. Khi tụ họp tại một khu đô thị mới, các thành viên trải qua quá trình thay đổi để hòa nhập với giá trị văn hóa chung của cả cộng đồng ở đây.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, có nhiều loại khu đô thị mới với những lối sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác nhau. Tùy từng khu đô thị, tùy vào cơ tầng xã hội, mà cách ứng xử, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân ở đó sẽ khác nhau.
Ở những khu đô thị biệt lập, sang trọng mọi người có xu hướng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Những khu biệt thự cao cấp với an ninh khép kín đa lớp, ngoài việc được đảm bảo tuyệt đối an toàn, riêng tư nhưng cũng khiến tách biệt, ít có sự kết nối. Ở những khu đô thị này, văn hóa cộng đồng truyền thống dường như ít tồn tại. Cộng đồng cư dân ở đây chỉ tuân thủ theo các nguyên tắc của Ban quản trị đề ra và ít có quan hệ tương tác giữa các cá nhân với nhau.
Anh Huy, cư dân ở một khu đô thị cao cấp chia sẻ: “Tôi ở đây đã 6 năm, nhưng chưa bao giờ sang nhà hàng xóm và hàng xóm chắc cũng không có nhu cầu sang nhà tôi. Ở đây nhà nào biết nhà nấy bởi ai cũng bận rộn, không ai quan tâm đến đời sống nhà ai. Tôi cảm thấy phù hợp với lối sống không phiền phức đó. Khi Ban quản trị yêu cầu đóng góp cho sinh hoạt chung thì tôi sẵn sàng đóng góp nhưng cũng ít khi tham gia vì rất bận”.
Bên cạnh đó, cũng có không ít những khu đô thị mới ở phân cấp trung bình, hoặc dành cho dân tái định cư, người thu nhập thấp có đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng phong phú hơn, nhiều nơi còn mang dấu ấn sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống.
Tại các khu đô thị mới ven đô Hà Nội, phần lớn diện tích dành cho việc xây dựng chung cư cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Dân cư ở đây đến từ nhiều vùng miền khác nhau, với những phong tục tập quán còn mang dấu ấn làng xã nông thôn Việt Nam.
Với lối sống còn đậm nét sinh hoạt cộng đồng, bởi vậy nên khi bước vào không gian của khu đô thị, họ vẫn mang theo lối sống đó ở nơi ở mới và thực hành nó. Cùng với quá trình đô thị hóa, số lượng di dân tự do và cơ học, số lượng cán bộ, công nhân viên, người lao động từ khắp nơi đổ về thành phố cũng chiếm tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu dân cư đô thị.
Chính vì vậy, một phần không nhỏ của cư dân ở đây vẫn còn chịu ảnh hưởng của lối sống và sinh hoạt cộng đồng truyền thống. Ở một khu đô thị thu nhập thấp, thành phần dân cư đa dạng, đến từ các vùng miền khác nhau. Việc sinh hoạt, hội họp, gặp gỡ, giao lưu, kết bạn, kết nghĩa… là một việc vô cùng có ý nghĩa đối với những con người tứ xứ này.
Khi đến một vùng đất mới, một cách dễ hiểu, con người ta luôn tìm đến nhau, gắn kết để cùng nhau thích ứng, sinh sống, hòa nhập và phát triển. Trong khu đô thị, các nhóm thường liên kết với nhau theo hội đồng hương, hội có cùng những nhu cầu sở thích thể thao, hội tín ngưỡng tâm linh. Ở cấp độ nhỏ, theo truyền thống Việt Nam “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, các hộ cùng tầng cũng có xu hướng kết giao với nhau hơn.
Chị Hà, Khu đô thị Eco Home 3, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Tôi sống ở đây rất vui vẻ, hàng xóm đoàn kết thân thiết. Tầng nhà tôi thường tổ chức liên hoan mỗi khi có sự kiện như Tết thiếu nhi 1/6, Trung thu, 20/10 hoặc các dịp lễ, Tết. Mỗi khi tôi có việc đi làm về muộn, có thể gửi con sang nhà hàng xóm. Hoặc những lúc có công việc gì, cũng được hàng xóm giúp đỡ, khiến tôi cảm thấy yên tâm khi sống ở đây”.
Tương tự, chị Mai sống ở Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm làm công việc hành chính. Tổ dân phố số 4 nơi chị ở có rất nhiều hoạt động tập thể giúp cho những người xa quê như chị không cảm thấy cô đơn, lạc lõng nơi đất khách quê người. Chị thường tham gia vào phong trào của Hội phụ nữ với nhiều hoạt động phong phú như câu lạc bộ tập dưỡng sinh, tập yoga, chạy bộ nâng cao sức khỏe cũng như các chuyến đi du lịch bổ ích. Điều này rất khác so với các khu đô thị cao cấp. Người lớn tuổi sống ở khu đô thị này cũng cảm thấy hài lòng vì ở đây họ vẫn có thể giao lưu, nói chuyện với nhau. Bà Bình, quê Hải Dương lên trông cháu, bà nói: “Buổi sáng đưa cháu đi chơi dưới sân, tôi gặp được các bà cùng hoàn cảnh, chúng tôi đều là người nhà quê, nên dễ nói chuyện, tâm sự”.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về văn hóa
Có thể thấy, thực tế văn hóa cộng đồng được duy trì ở các mức độ khác. Văn hóa cộng đồng của cư dân khu đô thị mới là quá trình kết quả những thực hành văn hóa của các cư dân theo pháp luật, quy định, nội quy của khu đô thị mới đề ra. Văn hóa cộng đồng của khu đô thị mới cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và cố kết các cư dân của cộng đồng. Các thành viên trong đó đều nhận thức mình là một thành viên của cộng đồng và mong muốn đóng góp cho sự phát triển chung.
Văn hóa cộng đồng của khu đô thị mới có tác dụng điều chỉnh hành vi của mỗi thành viên, thúc đẩy họ thay đổi lối sống, nếp sống không còn thích hợp, từng bước hình thành những lối sống, nếp sống mới, phù hợp với tính văn minh, hiện đại. Ngoài ra, văn hóa cộng đồng của khu đô thị mới cũng đáp ứng sự đổi mới, đa dạng hóa nhu cầu văn hóa của các chủ thể. Ở các khu đô thị cao cấp, tách biệt, khép kín thì văn hóa cộng đồng thể hiện một cách lỏng lẻo. Ở các khu đô thị mức thấp hơn sinh hoạt văn hóa cộng đồng phong phú hơn.
TS Bùi Kim Chi (Giảng viên Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: “Khu đô thị mới là một hình thức cư trú mới trong bối cảnh đô thị hóa nên văn hóa cộng đồng tại đây cũng bộc lộ một số mâu thuẫn. Thứ nhất, đây là mâu thuẫn giữa nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của cư dân các khu đô thị mới với khả năng đáp ứng nhu cầu này của các khu đô thị. Thứ hai là mâu thuẫn giữa yêu cầu của lối sống đô thị với năng lực thực hành của các chủ thể. Thứ ba là mâu thuẫn giữa tính động và mở của văn hóa cộng đồng khu đô thị mới với tính hành chính trong quản lý nhà nước. Thứ tư là mâu thuẫn thế hệ trong khu đô thị mới”.
Để giải quyết các mâu thuẫn trên, theo TS Bùi Kim Chi cần có một số giải pháp tăng cường văn hóa cộng đồng tại các khu đô thị mới. Trước hết, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa cộng đồng. Đảng lãnh đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng đất nước, trong đó có văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa đô thị nói riêng như một nguyên tắc chính trị mà dân tộc đặt ra. Sự quản lý của Nhà nước đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng ở đô thị là theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã được quy định ở nước ta với tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có văn hóa.
Bên cạnh đó, cần phải giáo dục, nâng cao nhận thức của các chủ thể về văn hóa. Chúng ta biết rằng để phát triển văn hóa cộng đồng ở các đô thị phải có sự kết hợp vai trò của nhiều chủ thể khác nhau: Chủ thể lãnh đạo, quản lý; chủ thể đầu tư (ở các khu đô thị mới), chủ thể quản lý (ở các khu đô thị mới) và chủ thể là cư dân cộng đồng đô thị.
Cư dân trong cộng đồng ở khu đô thị mới cũng giống cư dân ở các cộng đồng khác, họ chính là chủ thể của văn hóa cộng đồng của mình. Ở các đô thị (đặc biệt là trong các khu đô thị mới) vai trò này tăng lên gấp bội, bởi họ phải tự chủ, tự giác xây dựng và phát triển vì chính nhu cầu của họ. Hơn nữa, văn hóa cộng đồng của họ như là chất keo gắn kết họ lại với nhau, yếu tố cơ bản để tạo nên các cộng đồng ở đô thị cụ thể. Bởi cư dân là những người kiến tạo chính cho văn hóa cộng đồng của mình.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-van-hoa-cong-dong-tai-cac-khu-do-thi-moi-161509.html