Xây dựng trận địa giả, nghi binh lừa địch

Nhà riêng của Đại tá Phạm Đình Phong, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 596, Binh chủng Thông tin liên lạc nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, ông là tiểu đội phó công binh phối thuộc với Trung đoàn 45 (nay là Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh) trực tiếp xây dựng trận địa pháo 'giả', nghi binh thu hút hỏa lực của địch.

Tôi có khoảng 10 năm sống ở TP Hồ Chí Minh, tham gia Ban vận động thành lập Hội Cựu chiến binh thành phố những năm 1990 của thế kỷ trước nên từng nhiều lần gặp và tâm sự với Đại tá Phạm Đình Phong, một người khá mẫn tiệp, đặc biệt trí nhớ còn rất tốt. Mỗi lần như thế, câu chuyện ở Điện Biên Phủ luôn được ông kể lại với niềm xúc động sâu sắc.

Theo lời kể của Đại tá Phạm Đình Phong, những ngày giáp Tết Nguyên đán năm 1954, trong lúc đơn vị ông đang củng cố quyết tâm và làm công tác chuẩn bị để kéo pháo ra theo mệnh lệnh mới của Bộ tư lệnh chiến dịch thì được thông báo: “Lên tiểu đoàn nhận nhiệm vụ mới”. Tại Sở chỉ huy Tiểu đoàn, đích thân Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Năm gặp và giao nhiệm vụ cho tiểu đội: “Sau khi kéo pháo ra, trên yêu cầu phải có một trận địa pháo mới. Để bảo vệ an toàn cho trận địa này, chúng ta phải có trận địa nghi binh ở phía trước để thu hút phi pháo địch. Tiểu đội các cậu được tin tưởng giao, đi phối thuộc với Trung đoàn Pháo binh 45 tiến hành lập trận địa nghi binh...”.

Trận địa giả để nghi binh lừa địch phải xây dựng nằm trên quả đồi cao hơn trận địa pháo khoảng hơn 1m. Từ đây có thể nhìn thấy rõ cứ điểm Mường Thanh. Sau 2 ngày đêm đào liên tục, trận địa đã cơ bản hoàn thành với một đường hào dài 30m, sâu 1,5m có nắp và hàm ếch ở 3 đoạn. Yêu cầu đặt ra khi tác chiến là trận địa nghi binh vừa xây dựng phải kết hợp thật chặt chẽ với trận địa thật ở phía sau sao cho tiếng nổ đầu nòng khớp với tiếng nổ bộc phá ở trận địa nghi binh. Tiếp đó cứ 6 giây, một quả nổ dồn bằng thủ pháo ném tay cho tới khi có lệnh ngừng.

Bộ đội công binh mở đường ở Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Bộ đội công binh mở đường ở Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Đại tá Phạm Đình Phong kể: Để làm được việc này, chúng tôi được hướng dẫn cách mắc dây, lắp kíp, điểm hỏa bằng điện và cách gói bộc phá, gắn kíp, điểm hỏa bằng tay. Sau đó, tiểu đội phải triển khai hai đường dây điện thoại từ sở chỉ huy trung đoàn tới trận địa nghi binh. Để đảm bảo an toàn, các đường dây này đều được đào sâu và ghim chặt xuống đất. Công việc cuối cùng là dựng 3 khẩu pháo giả làm bằng thân cây chuối trước 3 căn hầm hàm ếch rồi ngụy trang kín đáo. Hoàn thành công tác chuẩn bị, chúng tôi trở lại Sở chỉ huy Trung đoàn đợi lệnh. Ngay đêm ấy, anh Lưu, trợ lý quân lực Trung đoàn mang chỉ thị tổ chức chiến đấu ở trận địa nghi binh xuống phổ biến cho tiểu đội. Theo đó đội hình chiến đấu của chúng tôi gồm 6 người, chia làm 2 tổ do 2 cán bộ tiểu đội trực tiếp làm tổ trưởng.

Tổ 1 gồm tôi là tổ trưởng và anh Bách, anh Cơ được vinh dự tham gia chiến đấu trước. Tại hầm cơ quan tham mưu tác chiến, chúng tôi thấy bản đồ các trận địa pháo treo la liệt, chuông điện thoại các máy đổ liên hồi. Đồng chí Hữu - Trưởng ban tác chiến Trung đoàn nói rõ yêu cầu với tổ chúng tôi: “Tới trận địa các anh phải áp liền tai nghe điện thoại để chờ khẩu lệnh của sở chỉ huy. Khi nghe khẩu lệnh “Bắn” thì lập tức phải điểm hỏa bộc phá bằng điện ngay để tiếng nổ ở trận địa nghi binh và trận địa thật diễn ra đồng thời. Làm được như vậy là chúng ta đã giành được thắng lợi ngay từ phút đầu”.

Sáng 13-3-1954, toàn mặt trận hồi hộp đợi giờ nổ súng. Tổ chúng tôi lặng lẽ lên đường vào trận địa với hành trang mang theo gồm: Bộc phá, dây dẫn, máy điểm hỏa, bật lửa, hương, nước uống, bánh chưng và một máy điện thoại Trung Quốc. Sau 4 giờ hành quân, tổ tới trận địa và tiến hành kiểm tra lại toàn bộ công sự, hầm, hào, ngụy trang 3 khẩu pháo giả 105mm, sau đó lắp đặt bộc phá điểm hỏa bằng điện. Các quả bộc phá điểm hỏa bằng tay (đốt bằng hương) được xếp đặt thứ tự ngay ngắn trong các công sự hàm ếch. Lúc này trời đã xế chiều, máy bay vận tải của địch đang thả những dù hàng cuối cùng trong ngày xuống Mường Thanh. Chúng tôi nhận được lệnh: “Vào vị trí chiến đấu, máy điện thoại áp liền tai đợi lệnh”. Một lúc sau, qua điện thoại, mệnh lệnh chiến đấu từ sở chỉ huy vang lên. Khẩu lệnh “Bắn” vừa dứt thì đồng thời trận địa nghi binh cũng rung lên ánh chớp sáng do 3 quả bộc phá của chúng tôi vừa điểm hỏa bằng điện. Ngay sau đó là những thủ pháo điểm hỏa bằng tay tung ra phía trước rất ăn khớp nhịp nhàng đúng như kế hoạch đã định.

Sẵn sàng khai hỏa... Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Sẵn sàng khai hỏa... Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Cứ điểm Mường Thanh chìm ngập trong khói lửa và ánh chớp. Qua điện thoại, chúng tôi được chỉ huy trung đoàn biểu dương: “Đã phối hợp tuyệt vời ngay từ quả pháo đầu trong loạt đạn đầu, góp phần làm cho các trận địa pháo của địch thiệt hại nặng”.

Sáng sớm hôm sau, sương mù còn đang bao phủ khắp núi rừng Điện Biên, chúng tôi nhận được lệnh của trung đoàn: “Giở hết ngụy trang trên trận địa, sẵn sàng thu hút máy bay địch”. Sau 20 phút, trận địa chúng tôi đã phơi bày nửa kín, nửa hở. Lúc này ai cũng đói nhưng không ai ăn được vì miệng rất đắng do khói bộc phá và khói đạn pháo hôm qua. Cả tổ hồi hộp, căng thẳng chờ đợi.

 Pháo binh ta bắn vào trận địa của địch. Ảnh tư liệu

Pháo binh ta bắn vào trận địa của địch. Ảnh tư liệu

Không lâu sau, trên bầu trời xuất hiện những chấm đen đang lao về phía trận địa. Vậy là địch đã mắc lừa kế hoạch nghi binh của ta. Điện thoại vang lên lệnh từ sở chỉ huy: "Tất cả xuống công sự bám sát hoạt động của địch".

Các trận địa phòng không của ta được lệnh nổ súng, nhả đạn vào máy bay địch. Một chiếc bốc cháy lao về hướng tây bắc cánh đồng Mường Thanh. Tốp 2 gồm 3 chiếc B-26 tiếp tục nhào tới. Trận địa rung lên, bom nổ chát chúa, thông tin tê liệt hoàn toàn. Ba chúng tôi bị hất ra xa và không biết gì nữa. Được đưa vào bệnh viện tiền phương của chiến dịch cấp cứu, hai hôm sau tỉnh lại, chúng tôi mới biết mình còn sống. Nằm viện một thời gian, chúng tôi hồi phục và được ra viện. Anh Lưu, trợ lý quân lực trung đoàn tới tận viện đón cả tổ về đơn vị. Chính ủy Trung đoàn 45 ra đón, mắt đỏ hoe, chạy tới ôm lấy chúng tôi vừa cười vừa rưng rưng nước mắt…

NGUYỄN BỘI GIONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/xay-dung-tran-dia-gia-nghi-binh-lua-dich-778367