Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt

Việt Nam luôn trong nhóm các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia có sự nhận biết rộng rãi, cũng như thiếu vắng các thương hiệu gạo của doanh nghiệp trên kệ bán lẻ thế giới.

Ngày 10/12, tại thành phố Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt". Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần quảng bá “thương hiệu gạo Việt”, đặc biệt là trong giai đoạn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Ông Vương Quốc Nam-Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Hội thảo

Ông Vương Quốc Nam-Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Nam, Sóc Trăng có diện tích gieo trồng lúa đứng thứ 5 trong 13 tỉnh, thành của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm gieo trồng trên 330 ngàn ha, với sản lượng đạt trên 2,1 triệu tấn/năm. Đặc biệt, tỷ lệ lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm hơn 93%, riêng giống lúa ST24 và ST25 chiếm 18,1% một giống lúa có chất lượng gạo được xếp vào hạng “Gạo ngon nhất thế giới” qua các kỳ dự thi Quốc tế. Năm 2024, giá trị xuất khẩu gạo đạt khoảng 789 triệu USD.

“Qua việc phát triển các giống lúa đặc sản, thơm, sản xuất, xuất khẩu, dự thi, Sóc Trăng đã đóng góp không nhỏ cho quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế; trong thời gian tới, khi chúng ta có cách quản trị, tổ chức sản xuất tốt và phương pháp tiếp cận thị trường bài bản, khoa học hơn sẽ hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển, mở rộng xuất khẩu và quảng bá “thương hiệu gạo Việt” trên trường quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay của Việt Nam đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới cả về lượng và chất.

Tuy nhiên, nhìn ở quy mô quốc tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia có sự nhận biết rộng rãi, cũng như thiếu vắng các thương hiệu gạo của doanh nghiệp trên kệ bán lẻ thế giới.

Nhà báo Trần Xuân Toàn, phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ

Nhà báo Trần Xuân Toàn, phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào các tham luận chính như "xây dựng thương hiệu”- bài toán khó của ngành lúa gạo Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt -“Thách thức và cơ hội”. Ngoài ra, các chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại của ngành hàng lúa gạo cũng đã có nhiều đóng góp ý kiến, các giải pháp nhằm xây dựng thành công thương hiệu quốc gia cho gạo Việt.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thành phố Cần Thơ, cho biết: “Lúa gạo ở Việt Nam có rất nhiều loại giống và người tiêu dùng thì không phải chỉ ở trong nước, mà kể cả nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ như Châu Âu, người ta có khẩu vị khác, châu Á cũng có khẩu vị khác, thậm chí châu Mỹ và Trung Đông cũng vậy. Trong khi Việt Nam lại xuất khẩu đi hầu hết các quốc gia trên thế giới, Chúng ta muốn có thương hiệu thành công thì phải làm sao sản xuất được những loại lúa gạo đáp ứng được khẩu vị của tất cả những phân khúc, của những châu lục và trên thế giới. Chúng ta chung tay xây dựng thương hiệu và thành công.

Còn Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Chuyên gia Kinh tế, cho rằng: “Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gồm hai vấn đề, chứ không chỉ có một. Đầu tiên chúng ta thường hay nhấn mạnh đến tầm quốc gia và chính sách, kế đến nữa là ngành hàng trong việc đảm bảo các hợp đồng, nhưng bây giờ nó phải gắn thêm thương hiệu riêng. Tôi muốn nói nhãn hiệu riêng của các công ty, những thương hiệu, nhãn hiệu đó phải có gạo chất lượng, có sức sống bền vững, cũng như kể cả những chuyện thiết kế, truyền thông bắt mắt và đảm bảo hệ thống hậu cần phục vụ, những nhãn hiệu như vậy nó sẽ đóng góp cho phần xây dựng thương hiệu quốc gia bên cạnh các vấn đề về chính sách, của hiệp hội ngành hàng”.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt” là hoạt động đầu tiên trong chuỗi chương trình truyền thông xây dựng thương hiệu gạo Việt do báo Tuổi Trẻ khởi xướng. Mục tiêu của chương trình là tạo ra một diễn đàn mở, kêu gọi sự tham gia tích cực của các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp và các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm, để đưa ra được những đề xuất thiết thực, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng vững mạnh trên thị trường quốc tế./.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xay-dung-thuong-hieu-quoc-gia-cho-gao-viet-post1141183.vov