Xây dựng Ngành Thuế hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả - Bài 2: Nuôi dưỡng nguồn thu
Với những chính sách cải cách mạnh mẽ từ ngành Thuế cùng sự nỗ lực không ngừng từ phía doanh nghiệp và người nộp thuế, nguồn thu ngân sách tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Việc nuôi dưỡng các nguồn thu được xem là mục tiêu trọng tâm của ngành thuế trong giai đoạn này nhằm mục tiêu hoàn thành thu trên 4.000 tỷ đồng vào năm 2025.
>> Bài 1: Dấu ấn chuyển đổi số
>> Bài 2: Nuôi dưỡng nguồn thu
>>Bài cuối: Tăng tốc về đích mục tiêu thu ngân sách
Nền tảng bền vững
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.819 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là trên 35.785 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 48.000 lao động.
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hoàng Thanh Phong cho biết: Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động, có 2.700 doanh nghiệp thuộc diện phải nộp thuế. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đóng góp hơn 1.950/2.956,6 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Hằng năm, số nộp ngân sách từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 64 - 68% trong tổng thu nội địa. Kết quả này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh Tuyên Quang, tạo việc làm cho hàng vạn lao động với mức thu nhập ổn định, góp phần vào công tác an sinh xã hội và giảm nghèo tại địa phương.
Công ty Thủy điện Tuyên Quang đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào ngân sách tỉnh qua nhiều năm. Với số tiền nộp ngân sách năm 2022 là 193 tỷ đồng, năm 2023 đạt 157 tỷ đồng và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024 đã nộp 162,8 tỷ đồng. Công ty đã khẳng định cam kết đóng góp tích cực, ổn định cho ngân sách địa phương. Ông Vũ Văn Tinh, Giám đốc Công ty cho biết: Từ nay đến cuối năm, công ty sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao. Duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, phấn đấu tiếp tục là một trong những doanh nghiệp top đầu trên địa bàn tỉnh về thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách tại địa phương.
Ngoài Công ty Thủy điện Tuyên Quang, các công ty như Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty Xăng dầu Tuyên Quang, Công ty xi măng Tân Quang và Chi nhánh Tuyên Quang - Công ty CP Xăng dầu dầu khí Phú Thọ... cũng là một trong những doanh nghiệp chủ lực đóng góp vào ngân sách tỉnh Tuyên Quang.
Để tạo đà nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nuôi dưỡng nguồn thu. Cụ thể, Cục Thuế tỉnh đã tích cực vào cuộc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; thực hiện miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế. Kịp thời triển khai, thông tin các chính sách thuế mới tới người dân và doanh nghiệp…
Đồng hành cùng người nộp thuế
Phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa ý kiến của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh theo phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và mục tiêu động lực, nguồn lực cho sự phát triển”.
Cùng với đó, ngành Thuế tỉnh Tuyên Quang đã linh hoạt và kịp thời triển khai các chính sách thuế về gia hạn, miễn giảm thuế; chính sách thuế hỗ trợ sau lũ lụt... Các chính sách đã hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người nộp thuế với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, tổ 1, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cho biết, việc được thụ hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đã giúp chị giảm bớt phần nào gánh nặng chi tiêu. Mỗi khi đi siêu thị mua hàng hóa nhìn thấy ngay việc được giảm thuế tương ứng với mỗi lần chi tiêu, chị cảm nhận được rõ tác động tích cực của chính sách giảm thuế này.
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hưng Hà, tổ 2, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) chia sẻ: Như nhiều doanh nghiệp khác ở thành phố Tuyên Quang, doanh nghiệp của ông sản xuất, kinh doanh tôn chống nóng, sắt thép... đã và đang gặp phải một số khó khăn do tình hình chung của nền kinh tế phát triển chậm, chi phí nguyên, nhiên vật liệu tăng, sức mua của người dân giảm sút. Nhờ được giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thời gian qua, doanh nghiệp đã được tăng thêm sức chống chịu, có thêm thời gian tối ưu hóa dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 6-7-2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 31-12-2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Chi nhánh Tuyên Quang - Công ty CP Xăng dầu dầu khí Phú Thọ và Công ty Xăng dầu Tuyên Quang được giảm nộp thuế bảo vệ môi trường trong năm 2022 là 212,5 tỷ đồng, năm 2023 là 269,5 tỷ đồng. Các chính sách thuế về tiền thuê đất được gia hạn, miễn giảm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang của năm 2023 là gần 400 tỷ đồng, năm 2024 khoảng hơn 110 tỷ đồng.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII của tỉnh năm 2025 hoàn thành thu 4.000 tỷ đồng ngân sách. Ngay sau đó, UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu con số hoàn thành lên 5.000 tỷ đồng. Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hoàng Thanh Phong nhấn mạnh, năm 2024, ngành Thuế tỉnh phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán UBND tỉnh giao là 3.800 tỷ đồng. Số thu ngân sách Nhà nước hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu thu, góp phần vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Đây là tiền đề để tỉnh ta hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ thu ngân sách nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Bài, ảnh: Hải Hương
(Còn tiếp)