Xây dựng mô hình câu lạc bộ Trẻ em gái để ngăn ngừa tảo hôn
Lâu nay, vấn đề tảo hôn ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền, ngành chức năng, tổ chức chính trị - xã hội và người dân trên địa bàn. Từ nỗi trăn trở ấy, Hội LHPN huyện Hướng Hóa đã xây dựng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Trẻ em gái nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn trên địa bàn. Chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện với bà HỒ THỊ THANH THỦY, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa để tìm hiểu rõ hơn về mô hình này.
- Thưa bà! Được biết, thời gian qua, tình trạng kết hôn sớm diễn ra khá phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Đề nghị bà chia sẻ rõ hơn về thực trạng này?
- Thời gian qua, tình trạng kết hôn sớm, còn gọi là tảo hôn diễn ra khá phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Theo thống kê của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện, trong 5 năm từ 2012 - 2017, trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 618 cặp tảo hôn. Tính riêng năm 2018, trong tổng số 711 cặp kết hôn trên địa bàn thì có đến 118 cặp tảo hôn. Độ tuổi kết hôn trung bình ở các cặp vợ chồng tảo hôn là 16. Cá biệt, có trường hợp kết hôn khi mới 12 tuổi. Phần lớn các em nhỏ sau khi lấy vợ, lấy chồng đều không tiếp tục đi học. Điều đó cho thấy tảo hôn là một vấn đề nhức nhối, đáng quan ngại. Không những vi phạm quy định của pháp luật, nó còn làm ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống, cuộc sống người dân và đặc biệt là tác động tiêu cực tới tâm sinh lí, sự phát triển của trẻ em. Đó chính là điều khiến các cán bộ, hội viên Hội LHPN trên địa bàn huyện hết sức trăn trở.
- Trước thực trạng trên, Hội LHPN huyện Hướng Hóa đã có những nỗ lực như thế nào để ngăn ngừa tảo hôn?
- Nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn trên địa bàn, Hội LHPN huyện Hướng Hóa đã có ý tưởng, triển khai nhiều hoạt động, phong trào. Các cán bộ, hội viên thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, trò chuyện nhóm, truyền thông gắn với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... Mỗi khi nghe thông tin về trường hợp nào đó chuẩn bị kết hôn sớm, các cán bộ, hội viên đến từng nhà để tuyên truyền, vận động gia đình cũng như các em. Không dừng lại ở đó, cán bộ các cấp Hội LHPN trên địa bàn còn huy động sự chung tay, góp sức của chính quyền địa phương, già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đặc biệt, Hội LHPN huyện Hướng Hóa tập trung xây dựng nhiều mô hình mới, hiệu quả nhằm góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong đó tiêu biểu là mô hình CLB Trẻ em gái với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, có tính lan tỏa.
- Mô hình CLB Trẻ em gái được triển khai trên địa bàn như thế nào, thưa bà?
- Trăn trở trước thực trạng tảo hôn, từ năm 2015, Hội LHPN huyện Hướng Hóa đã phối hợp với Tổ chức Plan xây dựng mô hình CLB Trẻ em gái. Đây là sân chơi bổ ích, giúp cho trẻ em gái miền núi tích lũy những kiến thức cơ bản về phòng ngừa kết hôn sớm. Tham gia CLB, các em được gặp gỡ, giao lưu, vui chơi, cập nhật kiến thức, kĩ năng để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Để mô hình từ ý tưởng đi vào thực tiễn, chúng tôi đã có những bước đi cụ thể, phù hợp với thực tiễn địa phương. Trước tiên, Hội LHPN huyện Hướng Hóa phối hợp với các đơn vị khảo sát, nắm số lượng em gái có nguy cơ bỏ học, kết hôn sớm cao, lấy nhu cầu và vận động trẻ tham gia CLB. Bước hai, chúng tôi họp tham vấn xây dựng mô hình với sự tham gia của cộng đồng và các thành viên CLB; bàn thống nhất xây dựng mô hình, xây dựng quy chế hoạt động và bầu ra 3 em nhỏ là trẻ vị thành niên cốt cán có kĩ năng tổ chức điều hành tốt tham gia ban chủ nhiệm CLB, chịu trách nhiệm quản lí và điều hành sinh hoạt của nhóm; lựa chọn tình nguyện viên hỗ trợ nhóm... Sau khi các bước chuẩn bị đã hoàn tất, chúng tôi tổ chức ra mắt mô hình CLB, truyền thông và công bố quyết định thành lập câu lạc bộ của UBND xã.
Tiếp đó, Hội LHPN huyện tổ chức các lớp tập huấn về quy trình tổ chức sinh hoạt và các kĩ năng cần thiết cho Ban chủ nhiệm từng CLB để các em mạnh dạn, tự tin và có thể tự điều hành sinh hoạt theo chủ đề. Ban Chủ nhiệm CLB sẽ chủ động vận hành, tổ chức hoạt động của mô hình theo từng chuyên đề cụ thể như: Chăm sóc vệ sinh cá nhân; chăm sóc sức khỏe sinh sản; kĩ năng sống; hậu quả của kết hôn sớm... Các CLB Trẻ em gái sinh hoạt định kì 1 tháng một lần với sự điều hành của Ban chủ nhiệm và sự hỗ trợ của tình nguyện viên là chi hội trưởng hoặc các chị, các mẹ giàu tâm huyết, kinh nghiệm để các em không bỡ ngỡ, ngại ngùng khi mới lần đầu tổ chức. Bên cạnh trang bị kiến thức, kĩ năng với mục đích ngăn ngừa kết hôn sớm, các tình nguyện viên còn hướng dẫn thành viên CLB Trẻ em gái cách chế biến những món ăn truyền thống; tổ chức trò chơi dân gian; giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao...
CLB Trẻ em gái đầu tiên trên địa bàn huyện Hướng Hóa được thành lập tại thôn Prang Xy, xã A Dơi vào tháng 4/2015 với sự tham gia của 20 thành viên. Từ sự thành công của mô hình thí điểm này, nhiều CLB Trẻ em gái đã tiếp nối ra đời tại các xã trên địa bàn huyện. Sự ra đời của các CLB nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng rất cao từ các cấp chính quyền và người dân địa phương.
- Đề nghị bà cho biết mô hình CLB Trẻ em gái đã mang lại những tín hiệu đáng mừng như thế nào?
- Từ mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, Hội LHPN huyện Hướng Hóa đã xây dựng được 29 CLB Trẻ em gái với 554 thành viên. Tham gia CLB, nhiều em gái rất vui vì được biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Không những thế, các bạn đồng trang lứa còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và cùng nhau xây dựng mô hình sinh kế. Các em đều ý thức sâu sắc rằng, không nên lấy chồng sớm bởi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tương lai của chính mình. Hầu hết các em gái tham gia CLB Trẻ em gái đều nêu cao quyết tâm học hành đến nơi, đến chốn, sau này có một công việc ổn định, rồi mới tính đến chuyện hôn nhân. Không chỉ trẻ em gái mà nhận thức của người dân trên địa bàn nói chung, đặc biệt là các bậc phụ huynh về hệ lụy của nạn tảo hôn cũng được nâng lên đáng kể.
Để thúc đẩy sự phát triển của các CLB, hằng năm, Hội LHPN huyện Hướng Hóa đều tổ chức các cuộc thi tuyên truyền viên kiến thức về sức khỏe sinh sản, phòng ngừa kết hôn sớm; tạo điều kiện cho các CLB giao lưu với nhau; xây dựng nhiều hoạt động mới, thực sự hấp dẫn, lôi cuốn... Vừa qua, Hội LHPN huyện đã đề xuất với Dự án Plan xây dựng 4 mô hình phát triển sinh kế do chính các em thực hiện với số vốn hỗ trợ hơn 120 triệu đồng. Theo đó, các em được lựa chọn và xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn bản, dê và ngan. Trong các mô hình sinh kế kể trên, con giống được chọn mua tại địa phương. Việc tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ kĩ thuật chăn nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi được thực hiện bằng phương pháp bắt tay chỉ việc nên hiệu quả mang lại khá rõ nét, tạo động lực, niềm vui cho trẻ em gái tham gia CLB.
- Thời gian tới, Hội LHPN huyện Hướng Hóa sẽ có những việc làm gì để phát triển mô hình CLB Trẻ em gái, góp phần ngăn ngừa tình trạng kết hôn sớm?
- Năm nay, Hội LHPN huyện Hướng Hóa đã chọn nội dung ngăn ngừa kết hôn sớm là nội dung trong tâm thực hiện chủ đề năm: “An toàn cho phụ nữ, trẻ em”, thực hiện an toàn trong hôn nhân gia đình. Trên tinh thần đó, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng mô hình CLB trẻ em gái gắn với đa dạng hóa các hoạt động truyền thông ngăn ngừa tình trạng tảo hôn đến từng thôn bản, gia đình. Để việc phòng ngừa tảo hôn hiệu quả, ngoài các mô hình, hoạt động của mình, Hội LHPN huyện Hướng Hóa rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hợp tác của các cấp, các ngành với những giải pháp phù hợp, chẳng hạn như: Thường xuyên khảo sát, cập nhật thông tin liên quan đến tình trạng tảo hôn trên địa bàn; phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phòng chống tình trạng tảo hôn; định hướng tương lai, nghề nghiệp cho thanh thiếu niên vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số; giúp đỡ các em đã bỏ học, lập gia đình tìm hướng làm ăn, ổn định cuộc sống...
- Xin cảm ơn bà!
Tây Long (thực hiện)
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140510