Xây dựng lưu vực sông Mekong: Thịnh vượng, công bằng, lành mạnh
Ngày 5-4, tại thủ đô Vientiane (Lào), Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 đã được tổ chức với chủ đề 'Đổi mới, hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong'. Kết thúc hội nghị, lãnh đạo các nước đã thông qua Tuyên bố chung - Tuyên bố Vientiane.
Bảo vệ dòng chảy sông Mekong
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng các nước: Lào, Campuchia và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan đã tham dự hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo và đại diện các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cao vai trò của Ủy hội sông Mekong quốc tế, đánh giá ủy hội đã thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức lưu vực sông quốc tế và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định giá trị lâu dài của Hiệp định Mekong năm 1995. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển và các đối tác quốc tế khác trong khu vực luôn tạo điều kiện, hỗ trợ Việt Nam cùng các nước trong khu vực bảo vệ dòng chảy chính, dòng chảy tự nhiên của dòng sông Mekong, mang lại kết quả hợp tác hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức rất lớn do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng. Điều đó làm cho nguồn tài nguyên nước sông Mekong đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả quốc gia trong lưu vực, đặc biệt là hơn 60 triệu người dân trong lưu vực.
Lấy con người làm trung tâm
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ủy hội tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng, nhất là các nguyên tắc nền tảng về bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sử dụng công bằng và hợp lý tài nguyên nước, duy trì hợp lý dòng chảy trên dòng chính, ngăn ngừa và hạn chế tác động tiêu cực, nhất là đối với các nước hạ nguồn. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mọi chính sách và hành động liên quan của ủy hội và các nước thành viên cần lấy con người làm trung tâm, đảm bảo sinh kế bền vững của người dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân sinh sống trong lưu vực; tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; nỗ lực xây dựng ủy hội trở thành một trung tâm tri thức, cung cấp các thông tin, số liệu và kiến thức về lưu vực, các dịch vụ tư vấn nhằm giúp các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác thực hiện chức năng của mình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các đối tác tăng cường hợp tác, hỗ trợ ủy hội về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn đề cao vai trò của ủy hội và cam kết hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên để triển khai thành công các chiến lược, kế hoạch và chương trình hành động của ủy hội, vì mục tiêu xây dựng lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của Cộng đồng ASEAN.
Kết thúc hội nghị, các Thủ tướng đã thông qua Tuyên bố chung - Tuyên bố Vientiane nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của 4 quốc gia thành viên, các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong, cũng như xác định các trọng tâm hợp tác của ủy hội trong thời gian tới.
Là quốc gia nằm ở cuối nguồn sông Mekong, Việt Nam đang cảm nhận rõ nét nhất những tác động nặng nề: dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ du và vùng ĐBSCL đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Đồng bằng thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán và hiện tượng xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn từ 1-1,5 tháng với phạm vi và cường độ lớn hơn so với trước đây. Năm 2020, lượng phù sa xuống ĐBSCL đã giảm chỉ còn bằng 1/3 lượng phù sa của trước đó 15 năm... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hơn 20 triệu người dân ĐBSCL, cũng như nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho các quốc gia trong lưu vực.