Xây dựng hình ảnh du lịch 'Cao nguyên trắng'
Huyện Bắc Hà đang tập trung xây dựng hình ảnh, sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu 'Cao nguyên trắng' để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Chú trọng nâng cấp kết cấu hạ tầng
Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch trung tâm huyện là một trong những giải pháp đầu tiên được Bắc Hà triển khai nhằm tiến tới xây dựng đô thị đồng bộ. Cuối năm 2018, quy hoạch chi tiết mở rộng thị trấn Bắc Hà (khu vực dọc hai bên đường vành đai 2) đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, các trục giao thông kết nối thị trấn Bắc Hà với các xã, các huyện trong khu vực sẽ được đầu tư, nâng cấp. Ngoài ra, hệ thống cây xanh đô thị, cây xanh cảnh quan, mặt nước tại các khu vực điểm nhấn dọc các suối Na Áng, Bản Phố, Quán Dín Ngài, Tả Hồ cũng sẽ được khai thác, tạo không gian mở và tạo một đô thị xanh. Việc mở rộng thị trấn Bắc Hà được kỳ vọng tạo diện mạo mới cho thị trấn Bắc Hà và là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là tác động tích cực đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Năm 2018, huyện Bắc Hà triển khai công trình cải tạo nút giao thông Hoàng A Tưởng và chỉnh trang đô thị thị trấn Bắc Hà, lát vỉa hè và cải tạo hệ thống thoát nước với tổng mức đầu tư 33,5 tỷ đồng. Đầu năm 2019, huyện tiếp tục đầu tư 48 tỷ đồng để chỉnh trang, nâng cấp chợ văn hóa Bắc Hà.
Được biết, ngoài những công trình do Nhà nước đầu tư, công tác xã hội hóa trong chỉnh trang đô thị cũng được huyện đẩy mạnh và được người dân tích cực ủng hộ. Trước mắt, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, tổ dân phố vận động, hướng dẫn người dân tự trang trí, làm đẹp ngôi nhà của mình, đặc biệt là tại các tuyến phố trung tâm thị trấn. Thời gian tới, huyện sẽ nghiên cứu huy động nguồn xã hội hóa xây dựng một số tiểu cảnh mang bản sắc của Bắc Hà tại một số tuyến phố trung tâm nhằm tạo điểm nhấn để du khách check-in, chụp ảnh khi đến tham quan, khám phá “Cao nguyên trắng”...
Xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng
Bắc Hà được thiên nhiên ban tặng và ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đó là thế mạnh để sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng xác định, việc xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế, du lịch, dịch vụ địa phương phát triển.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Bắc Hà có 28 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có khả năng phát triển thành hàng hóa như chè Bản Liền, mận Tam hoa, lê xanh địa phương, lê VH6, mận hậu, rau ôn đới…Tuy nhiên, để các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trở thành hàng hóa vẫn còn nhiều khó khăn.
Bén duyên với vùng đất Bắc Hà gần 40 năm, mận Tam hoa đã trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng đất này và là cây xóa đói, giảm nghèo của người dân địa phương. Chỉ cần nhắc đến mận Tam hoa, người ta sẽ nghĩ ngay đến Bắc Hà. Thời kỳ cao điểm, diện tích mận Tam hoa ở Bắc Hà lên đến 2.600 ha (năm 1996), sản lượng ước đạt gần 20.000 tấn quả/năm. Sau đó, do chưa xây dựng được thương hiệu và tốc độ đô thị hóa nhanh khiến diện tích mận Tam hoa giảm đáng kể. Đến nay, khi cây ăn quả này đã có thương hiệu thì diện tích chỉ còn hơn 500 ha, sản lượng ước khoảng 4.000 tấn/năm. Trong dịp tổ chức Festival “Cao nguyên trắng”2019 vừa qua, sản lượng mận Tam hoa của Bắc Hà không đủ cung cấp cho thị trường, khiến giá bán tăng cao.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Huyện đã có một số sản phẩm nông nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, điển hình như gạo đặc sản Khẩu nậm xít, chè Shan, rau, mận Tam hoa, quế hữu cơ Nậm Đét… Để nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, mở hướng thoát nghèo cho người dân địa phương, những năm qua, huyện luôn chú trọng phát triển sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa cho các nông sản bản địa. Cùng với đó, huyện tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu nông sản ra thị trường trong nước, quốc tế, góp phần thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát triển. Huyện muốn xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, gắn việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với phát triển du lịch.
Điểm nhấn trong phát triển du lịch
Bắc Hà là huyện vùng cao có 14 dân tộc anh em chung sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, dân tộc Mông chiếm trên 44%. Nhiều nhóm dân tộc (Mông, Nùng, Tày…) vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Bên cạnh đó, nơi đây cũng có nhiều di tích lịch sử như Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, đền Trung Đô… Đây là cơ sở để huyện phát triển nhiều loại hình du lịch, nhất là du lịch văn hóa và du lịch trải nghiệm bản làng. Thôn Bản Phố 2 (xã Bản Phố), thôn Na Lo (xã Tà Chải), thôn Trung Đô (xã Bảo Nhai)… là những điểm đến được du khách trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm.
Những năm gần đây, Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà trở thành điểm nhấn du lịch của “Cao nguyên trắng”. Giải đua ngựa được tổ chức với quy mô, chất lượng năm sau cao hơn năm trước, thu hút hàng chục nghìn khán giả tới sân theo dõi, cổ vũ. Huyện Bắc Hà kỳ vọng xây dựng Festival “Cao nguyên trắng” với điểm nhấn là giải đua ngựa trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật của tỉnh Lào Cai và vùng Tây Bắc. Festival không chỉ là hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch thuần túy mà còn là nơi hội tụ bản sắc văn hóa của các dân tộc trong và ngoài tỉnh.
Ông Đoàn Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà khẳng định: Huyện Bắc Hà định hướng phát triển du lịch theo 3 trụ cột chính là phát triển du lịch gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, kết hợp với các giá trị văn hóa lịch sử đã được công nhận; gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới; sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo và du lịch tâm linh nhằm đem đến trải nghiệm mới cho du khách.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đến xây dựng sản phẩm nông nghiệp, du lịch đặc trưng, tin rằng “Cao nguyên trắng” sẽ là thương hiệu du lịch, văn hóa nổi bật không chỉ của tỉnh Lào Cai, vùng Tây Bắc mà còn là của ngành du lịch Việt Nam.