Xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Bài 3
ĐI TÌM “KIM BÀI MIỄN TỬ”

BPO - Tình trạng cán bộ sợ sai, không dám nghĩ, không dám làm, không dám đổi mới, sáng tạo có dấu hiệu gia tăng sau khi hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương bị xử lý hình sự vì sai phạm trong thực thi nhiệm vụ. Có ý kiến cho rằng, thà làm chậm hoặc không làm thì chỉ bị điều chuyển công tác, cùng lắm là xử lý kỷ luật, còn hơn làm sai sẽ bị xử lý hình sự. Vậy đâu là “kim bài miễn tử” để cán bộ “có gan phụ trách, có gan làm việc”?

Phá bỏ tư duy cũ để tạo ra bước ngoặt mới

Quan điểm rõ ràng của Đảng ta là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, không ít cán bộ, đảng viên đã mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng “vượt rào”, “xé rào”. Thậm chí, nhận thức và hành động của những cán bộ này đã tác động, làm thay đổi tư duy, nhận thức của Đảng về con đường xây dựng và phát triển đất nước. Cũng cần khẳng định thêm, mọi dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Đảng, Nhà nước ta đều gắn với tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám phá bỏ những tư duy cũ để tạo ra bước ngoặt mới.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, nhắc đến Điện Biên Phủ, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta trước đội quân viễn chinh Pháp năm 1954. Vậy nhưng, trước khi có thắng lợi này, đã có những lúc quân ta lâm vào tình thế vô cùng khó khăn. Phương châm tác chiến ban đầu được thông qua là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế và tương quan lực lượng giữa ta và địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng tập thể đảng ủy và bộ chỉ huy chiến dịch bàn bạc, thống nhất quyết định thay đổi phương châm sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây chính là bước đi táo bạo nhưng phù hợp với yêu cầu thực tiễn, là bước ngoặt quan trọng của chiến dịch. Rõ ràng, nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đảng ủy, ban chỉ huy chiến dịch không đủ dũng cảm, không đủ mưu trí thì chắc chắn chúng ta khó có thể đạt được thắng lợi này.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam tiếp tục kháng chiến, một trong những tấm gương tiêu biểu và nổi bật về người cán bộ “có gan phụ trách, có gan làm việc” là cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc. Tại Đại hội lần thứ III năm 1960, Đảng đề ra đường lối cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp theo định hướng: “đi từ tổ đổi công lên hợp tác xã sản xuất bậc thấp và hợp tác xã bậc cao, từ hợp tác xã quy mô nhỏ lên hợp tác xã quy mô lớn, đồng thời phát triển những hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng, để biến nông dân cá thể thành nông dân tập thể, biến sản xuất cá thể thành sản xuất tập thể”. Tuy nhiên, cơ chế “rong công, đổi điểm” đã bó buộc nền sản xuất nông nghiệp, tạo ra sự trì trệ, khiến hiệu quả sản xuất thấp, cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, từ những năm 1965, ông Kim Ngọc đã quyết định thực hiện thí điểm chủ trương khoán hộ tại Vĩnh Phúc. Điều này cũng đồng nghĩa “đi ngược” với xu hướng thời bấy giờ. Vậy nhưng, bằng việc khoán ruộng, nền sản xuất nông nghiệp của địa phương đã có những thay đổi tích cực, năng suất lao động tăng cao. Đến năm 1968, chủ trương khoán hộ của ông Kim Ngọc buộc phải đình chỉ do bị Trung ương phê phán nặng nề. Tuy nhiên, ông Kim Ngọc không hề bị xử lý kỷ luật. Thậm chí, dù phải “kiểm điểm” nhưng ông vẫn tiếp tục nhận được sự tin tưởng và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đến năm 1977 mới nghỉ hẳn. Hiệu quả của việc khoán hộ tại Vĩnh Phúc đã tạo tiền đề cho “khoán sản phẩm trong nông nghiệp” tại Hải Phòng. Và đồng thời, chính những kết quả tích cực của việc khoán đã làm thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất nông nghiệp của Đảng. Năm 1980, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế và xã hội năm 1981 quyết định: “mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp, trên nguyên tắc bảo đảm sản xuất phát triển, bảo đảm sử dụng và tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa bảo đảm làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước”. Lần lượt sau đó là sự ra đời của Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp và Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Dám làm, dám chịu trách nhiệm

Một minh chứng khác về cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với dấu ấn xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam. Trong bối cảnh đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trình độ khoa học - kỹ thuật của đất nước còn hạn chế, đề xuất xây dựng đường tải điện siêu cao áp Bắc - Nam được đánh giá là táo bạo và trên thế giới chưa có quốc gia nào làm như vậy. Thậm chí, một số nhà khoa học đã công khai phê phán, cho rằng đây là điều không nên làm, không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, vì sự phát triển của đất nước, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết tâm thực hiện dự án trong 2 năm. Theo lời kể của nhiều cán bộ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chia sẻ: “Nếu công trình mà thất bại thì tôi sẽ từ chức”. Hay như trước đó, trong giai đoạn làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông cũng đã “xé rào” với việc thành lập “tổ buôn gạo lậu” để giải quyết nạn đói gay gắt chưa từng có tại địa phương. Thời điểm bấy giờ, Ban Vật giá nhà nước quy định giá mua lúa chỉ là 5,2 hào/kg, thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường là 3 đồng/kg. Bởi vậy, dù bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long vừa thu hoạch lúa nhưng cũng không bán do không đủ chi phí sản xuất. Điều này dẫn đến trên thị trường khan hiếm gạo, người dân dù có tiền cũng không thể mua được. Trước tình hình đó, ông đã chỉ đạo cán bộ thành lập “tổ buôn gạo lậu”, đi mua lúa với giá 3 đồng/kg và đem về thành phố xay xát, bán cho người dân với giá 5 đồng/kg gạo. Sau khi Trung ương biết được việc “buôn gạo lậu” này, trực tiếp Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tìm hiểu và kết luận làm như vậy là không sai.

Trong chính đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều tấm gương dám nghĩ, dám làm cũng đã xuất hiện. Đó là bà Lê Thị Hờ Rin, Bí thư Quận ủy Quận 6, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra chỉ đạo “đưa thuốc kháng viêm, kháng đông vào toa thuốc cho các F0 tại nhà dùng, phải theo chỉ định của trạm y tế” dù Bộ Y tế chưa có hướng dẫn. Đó là ông Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy Quận 7, TP. Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Quận ủy đã quyết định không phân biệt xét nghiệm RT-PCR với test nhanh để kịp thời phát hiện, bóc tách, cứu chữa các F0…

Ngoài ra, câu chuyện đổi mới của Việt Nam cũng là minh chứng rõ ràng của việc dám đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích chung. Trong đó, nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh là người đặt nền móng cho sự nghiệp này. Từ việc định hướng xây dựng nền kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa tập trung, chúng ta đã thay đổi tư duy để bước vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước. Đến nay, sau hơn 36 năm nhìn lại, Đảng ta tự hào đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Điểm chung của tất cả trường hợp nêu trên là những quyết định đổi mới, sáng tạo, thậm chí là “xé rào”, “vượt rào” khi được đưa ra đều vì một mục đích duy nhất là phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.

Đổi mới sáng tạo phải hướng đến phục vụ nhân dân

Một số ý kiến cho rằng, thà làm chậm hoặc không làm thì chỉ bị điều chuyển công tác, cùng lắm là xử lý kỷ luật, còn hơn là làm sai sẽ bị xử lý hình sự. Đây chỉ là một sự ngụy biện. Trong thời gian qua, nhiều cán bộ từ Trung ương đến địa phương đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích lý do sai phạm thì không khó để nhận thấy những cán bộ này đã suy thoái, không còn sự trong sáng, ngay thẳng khi đưa ra các quyết định. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai ngày 21-4 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chia sẻ: “Các đồng chí cũng có nói rằng do xử lý, do bắt giữ việc nọ việc kia nhiều nên anh em chững lại. Thưa các đồng chí, đã làm thì có đúng có sai, không ai xử lý cái sai mà có động cơ tốt đâu, không được phép nên chúng tôi không làm. Chỉ có xử lý những trường hợp tiêu cực, hư hỏng, cố ý, cố tình làm thiệt hại, thất thoát, mà chúng tôi còn phải bảo vệ những trường hợp làm tốt, làm đúng, chứ đừng để chững lại”. Trước đó, trong buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ngày 21-4-2023, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cũng cho biết, không có việc hình sự hóa các quan hệ hành chính, những cán bộ bị đưa ra xử lý là đúng người, đúng tội.

Không thể đánh lận giữa đổi mới, sáng tạo với hành động lợi dụng quyền lực để phục vụ mưu đồ, lợi ích cá nhân, “vinh thân, phì da”. Đồng thời, chúng ta cũng cần có nhận thức đúng đắn giữa đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với việc hành động vô kỷ luật, vô tổ chức. Dù trong bất cứ lĩnh vực, hoàn cảnh nào, việc đổi mới sáng tạo cũng phải hướng đến mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Điều này cũng đã được Bác chỉ ra: “Chúng ta phải nhận rõ: bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”.

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” là lời răn dạy sâu sắc của Bác Hồ mà mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn ghi nhớ. Nếu đội ngũ cán bộ của chúng ta thực hiện mọi việc đều vì lợi ích của nhân dân, mang lại hiệu quả cho sự phát triển và tiến bộ xã hội thì dù “vượt rào”, “xé rào” cũng luôn được ủng hộ. Đó là điều chắc chắn.

Trần Tú - Hoàng Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/144385/xay-dung-doi-ngu-can-bo-dam-nghi-dam-lam