Xây dựng chính quyền số, xã hội số
(Báo Quảng Ngãi)- Tại Quảng Ngãi, chuyển đổi số (CĐS) đã mang lại nhiều kết quả to lớn, lan tỏa mạnh mẽ tới từng ngành, lĩnh vực và đi vào đời sống người dân.
Cùng nhau chuyển đổi số
Trở lại thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức), một trong những địa phương thí điểm xây dựng tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt đầu tiên trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cảm nhận được tinh thần CĐS đang lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Mỗi người dân trong thôn đã dần quen với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thay vì mang theo tiền khi ra đường, họ thường xuyên sử dụng mã QR để thanh toán, chuyển khoản.
Chị Trần Thị Huê, ở thôn Văn Hà chia sẻ, tôi chuyên kinh doanh mặt hàng ăn uống nên thường đặt mua nguyên liệu ở nhiều nơi. Tôi chỉ cần chốt số lượng và chuyển khoản thanh toán, rồi họ mang hàng đến tận nơi cho mình, rất tiện lợi. Còn khách hàng đến ăn uống tại quán, tôi đều hướng dẫn họ quét mã QR để thanh toán. Không chỉ tôi mà tất cả những hộ kinh doanh, buôn bán khác trong thôn đều áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Giờ ra đường chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là có thể thanh toán, mua được bất cứ thứ gì mình cần. Tôi thấy thật sự quá tiện lợi.
Việc thay đổi thói quen dùng tiền mặt sang thanh toán trực tuyến trong thời gian qua đã cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong tư duy, nhận thức của người dân, nhất là người dân vùng nông thôn. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 40,6 nghìn mã QR của hệ thống ngân hàng. Trong năm 2024, có hơn 13,3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến, với tổng giá trị giao dịch hơn 156,6 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai ngày càng nhiều tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng làng CĐS, làng thông minh, hướng đến xã nông thôn thông minh.
Để thúc đẩy CĐS, tỉnh đã chú trọng đến nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Đến nay, 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có tổ công nghệ số cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 1.141 tổ công nghệ số cộng đồng. Mỗi địa phương, từng tổ công nghệ số cộng đồng đã có những cách làm riêng, sáng tạo để phù hợp với thực tiễn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CĐS. Trong năm 2024, tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông về CĐS, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Phục vụ người dân, doanh nghiệp
Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, thẻ căn cước, định danh điện tử được cung cấp đã phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đến nay, 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Qua đó giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện 24/24 giờ; tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch; theo dõi được tình trạng hồ sơ trên website trực tuyến, qua tin nhắn điện thoại, địa chỉ email...
Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2024, người dân có thể sử dụng duy nhất tài khoản VNeID để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, tiện lợi. Ngoài ra, Quảng Ngãi có chính sách giảm 50% phí, lệ phí khi tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp chú trọng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Nhờ đó, tỷ lệ giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến của tỉnh đạt gần 100%.
Một trong những lĩnh vực mà Đề án 06 mang lại hiệu quả rõ nét đó là y tế. Với thẻ căn cước công dân, căn cước gắn chíp điện tử, hoặc ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh đã được tích hợp BHYT, người dân chỉ mất vài phút để khai báo, đăng ký khám, chữa bệnh. Hiện nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chấp nhận sử dụng thẻ căn cước công dân, căn cước gắn chíp điện tử, hoặc ứng dụng VNeID để thay thế thẻ BHYT và thanh toán không dùng tiền mặt.
Thượng tá Tạ Thanh Bình - Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết, những kết quả đạt được trong triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, tạo điều kiện tối đa cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính được tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại.
“Với mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Đề án 06 được triển khai trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại những tiện ích rõ nét. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp không chỉ là mục tiêu, động lực, mà còn là trách nhiệm chính trị của Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh cũng như các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai những nhiệm vụ của Đề án 06”, Thượng tá Tạ Thanh Bình nhấn mạnh.
Quyết tâm đạt kết quả tốt
Theo Sở TT&TT, liên tiếp trong 6 tháng năm 2024, Quảng Ngãi đứng vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến của tỉnh xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố về phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin. Quảng Ngãi cũng là một trong 12 địa phương đã hoàn thành việc kết nối giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp.
Hiện các sở, ban, ngành có tỷ lệ số hóa đầu vào đạt 99,97%, đầu ra đạt 99,85%; tương ứng ở cấp huyện tỷ lệ số hóa đầu vào đạt 99,5%, đầu ra đạt 94,5%; cấp xã đầu vào đạt 99,8%, đầu ra đạt 98,6%. Đến nay, 100% thôn đã phủ sóng di động; số thuê bao băng rộng đạt 88%; số thuê bao 3G, 4G đạt gần 92%; tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt 84%. Số thuê bao sử dụng Internet ước đạt gần 93%. Có 100% cấp xã và 97,3% cấp thôn đã có mạng cáp quang...
Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường cho biết, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm khá về chỉ số đánh giá CĐS. Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, then chốt trong năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 6/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trọng tâm về phát triển chính quyền điện tử vào cuối năm 2025, tạo nền tảng vững chắc để chuyển sang giai đoạn phát triển chính quyền số từ năm 2026 trở đi. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy CĐS khu vực doanh nghiệp, khu vực nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới thông minh. Phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất 1 mô hình nông thôn mới thông minh. Đồng thời, thực hiện phủ sóng 5G tại các KCN, cụm công nghiệp và các điểm có thiết bị quan trắc...