Xây dựng chính quyền đô thị Hà Nội đồng bộ, hiệu quả
Ngày 10/8, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng chủ trì hội thảo. Gần 500 đại biểu là các cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền của 10 quận, huyện và cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP tham dự.
Cần thiết thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là nơi tập trung các cơ quan T.Ư của toàn bộ hệ thống chính trị. Đồng thời, cũng là TP lớn với mật độ dân số cao.
Khu vực đô thị của TP với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng cơ bản đồng bộ, thống nhất và tương đối hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào địa giới hành chính quận, phường. Khu vực nông thôn và đô thị cũng không còn bị cản trở bởi khoảng cách địa lý.
Tại các huyện, xã đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống của nhân dân có sự đan xen giữa các yếu tố của nông thôn và đô thị và ngày càng phát triển theo hướng đô thị hóa...
Tuy nhiên, tổ chức chính quyền các cấp ở TP Hà Nội hiện nay trên thực tế còn có một số hạn chế, bất hợp lý, cả về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với đối tượng, đặc thù quản lý ở đô thị và quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn đang thay đổi nhanh chóng.
“Với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam, việc triển khai mô hình chính quyền điện tử, cuộc cách mạng 4.0 và hình thành các đô thị thông minh hiện nay đang dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, phương thức quản lý, tác động đến các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân, DN và xã hội”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã “đồng ý để TP Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”.
Vì vậy, việc triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền TP Hà Nội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, mục tiêu của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội (đô thị đặc biệt). Trong đó, tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP Hà Nội và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn).
Triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ đầu năm 2021
Tại hội thảo, đa số các đại biểu tán thành thiết kế mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo phương án: Xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp TP và cấp quận huyện); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn). Đồng thời, thống nhất thời gian thực hiện thí điểm bắt đầu từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Các ý kiến chủ yếu tập trung nêu thực trạng HĐND cấp xã hoạt động kém hiệu quả, còn hình thức. Về biểu quyết các mục tiêu, thông thường theo mức giao từ cấp trên, vì không có nguồn lực tại chỗ. Hoạt động giám sát của HĐND cấp xã cũng rất hạn chế, chưa thể hiện được vai trò đại diện cho nhân dân. Mặc dù có giám sát song rất chung chung.
Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của đại biểu HĐND xã còn nhiều hạn chế, thường ngại va chạm, ngại phát biểu vào những vấn đề nhạy cảm, vấn đề nóng, thậm chí có những đại biểu cả nhiệm kỳ không nêu được ý kiến nào. Bởi vậy, việc không tổ chức HĐND cấp xã mà chuyển chức năng giám sát cho HĐND cấp huyện và Ủy ban MTTQ cấp xã là phù hợp.
Khẳng định vai trò của Đảng, các đại biểu cho rằng Chủ tịch UBND xã phải là Phó Bí thư Đảng ủy xã. Đối với các xã loại 2, có ý kiến đề xuất nên có 2 Phó Chủ tịch để giảm bớt áp lực cho Chủ tịch xã. Ngoài ra, với quan điểm tinh giản đội ngũ cán bộ để tăng chất lượng, hiệu quả công việc và có điều kiện để tăng lương cho những người làm được việc, một số đại biểu đề xuất tinh giản đội trật tự xây dựng còn 1 đồng chí, kết hợp với cán bộ địa chính…
Ngoài ra, các đại biểu đã đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện và cấp xã của TP Hà Nội, nêu ra những ưu điểm, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động; cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực, đồng thời, chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém, bất hợp lý đó. Đồng thời các đồng chí cũng mạnh dạn đưa ra những ý kiến đề xuất về tổ chức bộ máy, về phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực.
Về giải pháp để thực hiện thành công Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội, các đại biểu cho rằng cần tăng cường các điều kiện đảm bảo thực thi thông qua việc động viên hợp lý các nguồn lực tài chính, thực hiện cân đối ngân sách tích cực và sự đồng tâm nhất trí, sự tham gia của các Bộ, Ban ngành T.Ư, các cơ quan Đảng của TP, chính quyền thành phố và chính quyền các cấp thuộc thành phố, MTTQ và các Đoàn thể của TP.
Ghi nhận 12 ý kiến của các đại biểu các huyện, các xã tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, nhiều ý kiến phát biểu tập trung làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn. Từ đó, có giá trị tham khảo sâu sắc, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xay-dung-chinh-quyen-do-thi-ha-noi-dong-bo-hieu-qua-322803.html