Xây dựng 10 chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng Tây Nguyên.
Ngày 23-6, Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã tổ chức hội nghị lần thứ 3 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả của chính sách, nhằm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Thu hút và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược
Cụ thể, trên cơ sở kiến nghị của các tỉnh trong vùng và ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xây dựng 10 chính sách xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên bao gồm:
Chính sách 1: Nâng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ của vùng Tây Nguyên theo phương thức đối tác công tư từ mức 50% theo quy định hiện nay lên không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời đáp ứng các điều kiện liên quan.
Chính sách 2: Chính sách về cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc. Trong đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc.
Đồng thời, đề nghị giao một UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương.
Ngoài ra, UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án theo quy định đối với dự án do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì đối với tuyến đường bộ trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Chính sách 3: Về quản lý quy hoạch
Chính sách này dựa trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Chính sách 4: Các địa phương trong vùng Tây Nguyên được hỗ trợ phân bổ thêm một tỈ lệ nhất định số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư cho các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn Tây Nguyên.
Chính sách 5: Chính sách thu hút đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược
Chính sách đặc thù này cho phép các tỉnh Tây Nguyên quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư về: Phát triển trung tâm ứng dụng công nghệ cao chế biến y, dược; Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí tổng hợp; Đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp; Đầu tư Trung tâm văn hóa dân tộc, thể dục thể thao, sân golf cao cấp, chất lượng cao và trung tâm hội nghị, hội thảo quốc gia đáp ứng điều kiện được hưởng cơ chế ưu đãi đặc thù khi đầu tư tại một số khu du lịch định hướng phát triển của Nghị quyết số 23/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Thí điểm thị trường carbon
Chính sách 6: Chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có nhà ở. Chính sách này nhằm hỗ trợ nhà ở cho những hộ nghèo khu vực nông thôn (chưa được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở), đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Chính sách 7: Thí điểm thị trường carbon
Mở rộng phạm vi, đối tượng các địa phương vùng Tây Nguyên được áp dụng cơ chế thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính đối với loại hình dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại khoản 3 Điều 61 và Điều 63 Luật Lâm nghiệp tương tự 06 địa phương vùng Bắc Trung Bộ được hưởng theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Chính sách 8: Giao đủ biên chế ngành giáo dục và y tế theo định mức của cấp thẩm quyền. Phân bổ bổ sung biên chế, tính toán định mức giáo viên/lớp theo từng vùng, miền, nhất là vùng núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Chính sách 9: Cơ chế riêng về điều chỉnh mức học bổng học sinh, chế độ nhân viên cấp dưỡng cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú và đầu tư cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn vùng Tây Nguyên.
Trong đó, điều chỉnh mức học bổng học sinh các trường Phổ thông dân tộc nội trú: 100% mức lương tối thiểu. Đồng thời điều chỉnh mức học bổng học sinh các trường Phổ thông dân tộc nội trú: 60% mức lương tối thiểu. Điều chỉnh mức hỗ trợ nhà ở học sinh các trường Phổ thông dân tộc nội trú: 30% mức lương tối thiểu.
Chính sách 10: Điều chỉnh định mức bảo vệ, phát triển rừng
Sửa đổi, bổ sung, nâng mức chi trả về chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng đã được ban hành tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng theo hướng tăng định mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và hỗ trợ rừng sản xuất hiệu quả tại vùng Tây Nguyên bằng 3 lần so với định mức chung.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua hơn một năm triển khai Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ.
Trong đó, các chỉ tiêu quan trọng đều tăng so với các năm trước: Quy mô kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) đạt 416,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,01% GDP cả nước (tăng so với năm 2022, bằng 3,82% cả nước); GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 67,58 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với năm 2022 (58,37 triệu đồng/người); Cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng của 3 khu vực năm 2023 lần lượt là 34,09%; 22,54%; 38,76%3, tập trung vào phát triển dịch vụ và các thế mạnh của vùng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 3,5% dự toán thu ngân sách Nhà nước do Trung ương giao.
Tổng vốn FDI đăng ký đạt 1,912 tỷ USD, tăng 11,9% so cùng kỳ 2022. Trong quý I/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 977 doanh nghiệp, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xay-dung-10-chinh-sach-dac-thu-cho-vung-tay-nguyen-post796992.html