Xã An Nghĩa hoạt động ổn định sau sáp nhập

Xã An Nghĩa (mới) tỉnh Phú Thọ được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm thị trấn Ba Hàng Đồi, xã Phú Nghĩa và xã Phú Thành. Đây là điều kiện thuận lợi để xã phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; người dân địa phương sau sáp nhập đã hòa nhịp với cuộc sống mới.

Anh Dương Minh Đức, thôn 7, xã An Nghĩa đến Trung tâm phục vụ Hành chính công của xã giao dịch thủ tục hành chính vui vẻ cho biết: Qua công tác tuyên truyền của thôn, xã, chúng tôi đã nắm rõ chủ trương, hiểu rõ ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính và hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền trong việc đưa xã ngày càng phát triển. Trước khi đến đây xin xác nhận chứng thực giấy tờ cá nhân, tôi lo sẽ có xáo trộn khi thực hiện theo mô hình mới, nhưng đến nơi, thấy thủ tục được giải quyết nhanh, thuận tiện hơn trước.

Xã An Nghĩa sau khi được thành lập và được chỉ định các chức danh lãnh đạo chủ chốt đã kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thiện tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của Đảng ủy, HĐND và UBND xã. Các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính thuộc UBND được thành lập và đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn các cấp; chủ động tham mưu cho UBND xã kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là việc phục vụ Nhân dân trong giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ Hành chính công của xã.

Người dân giao dịch tại Trung tâm phục vụ Hành chính công xã An Nghĩa.

Người dân giao dịch tại Trung tâm phục vụ Hành chính công xã An Nghĩa.

Sau 2 tuần triển khai và vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, UBND xã An Nghĩa bước đầu đã ổn định tổ chức, duy trì nề nếp hoạt động và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chuyên môn. Đội ngũ cán bộ công chức xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhanh chóng thích nghi với mô hình mới, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước đáp ứng các yêu cầu trong công việc, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như chuyển đổi số, cải cách hành chính. Tinh thần chủ động, học hỏi, phối hợp tốt giữa các bộ phận chuyên môn đã giúp công việc không bị gián đoạn trong quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Về cơ sở vật chất, xã An Nghĩa sử dụng trụ sở xã Phú Nghĩa cũ là trụ sở Đảng ủy, UBND xã An Nghĩa mới, bến xe Chùa Tiên là các ban HĐND và MTTQ xã An Nghĩa mới. Sau khi được sửa chữa, nâng cấp, cải tạo về cơ bản đảm bảo đủ số phòng làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đối với hạ tầng kỹ thuật, sau khi được sửa chữa, nâng cấp, hệ thống thiết bị công nghệ thông tin tại trụ sở UBND xã An Nghĩa cơ bản đáp ứng được các nhu cầu sử dụng trong công tác chuyên môn, hành chính và phục vụ người dân.

Các máy tính để bàn, máy in, thiết bị mạng (modem, switch, wifi) và máy photocopy đang hoạt động ổn định, đảm bảo cho việc xử lý văn bản điện tử, khai thác phần mềm nghiệp vụ, và truy cập hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Hạ tầng mạng nội bộ được kết nối tương đối đồng bộ, giúp thuận lợi trong việc chia sẻ dữ liệu và liên lạc nội bộ giữa các bộ phận. Khoảng cách địa lý giữa các nơi đến trung tâm xã mới, nơi xa nhất trên 15km nên người dân có thể tiếp cận nhanh các dịch vụ hành chính...

Xã An Nghĩa có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội.

Xã An Nghĩa có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, sau 2 tuần vận hành mô hình mới, xã gặp một số khó khăn. Xã chưa được giao dự toán vì vậy các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách nhà nước của chính quyền địa phương thực hiện theo Công văn số 22/STCQLNS ngày 03/7/2025 của Sở Tài chính tỉnh Phú Thọ. Đối với việc bố trí nguồn lực chi thường xuyên, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã ở các địa bàn mới mở rộng, nguồn kinh phí của 3 xã trước sáp nhập còn hạn hẹp, đã thực hiện một số các nội dung chi trước khi sáp nhập do vậy kinh phí còn lại ít, chỉ đủ chi cho các nhiệm vụ thường xuyên cơ bản trong 6 tháng cuối năm dẫn đến khó khăn về kinh phí thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, đầu tư mua sắm trang thiết bị.

Đặc biệt đối với Trung tâm phục vụ Hành chính công diện tích nhỏ hẹp, số lượng giao dịch của công dân sau sáp nhập đông nên việc đáp ứng chỗ ngồi chờ của công dân chưa đảm bảo. Trang thiết bị máy tính của cán bộ, công chức phần đa là máy cũ cấu hình thấp nên sử dụng các phần mềm chưa đảm bảo, một số cán bộ hiện nay chưa có máy tính, máy in để phục vụ công tác. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm phục vụ Hành chính công của xã phần mềm hộ tịch điện tử chưa thông chưa thực hiện được TTHC khai sinh, khai tử và kết hôn, chưa cập nhật TTHC mới. Mặt khác, qua rà soát hệ thống loa phát thanh ở các thôn, khu dân cư đang bị hỏng không tiếp sóng được khó khăn cho công tác tuyên truyền đến thôn, khu dân cư...

Đồng chí Nguyễn Ngọc Vân - Chủ tịch UBND xã An Nghĩa cho biết: Trong điều kiện mới về cơ chế, con người đến cơ sở vật chất còn khó khăn, nhưng với quyết tâm giữ vững tinh thần, chia sẻ, lắng nghe và gắn kết, đây là yếu tố then chốt giúp bộ máy xã vận hành tốt hơn. Để ổn định, hiệu quả trong hoạt động của Đảng ủy, chính quyền, người dân địa phương sau sáp nhập, xã đề nghị UBND tỉnh sớm trình HĐND tỉnh giao dự toán 2025.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan cập nhật dữ liệu hộ tịch của các xã cũ vào tài khoản xã mới để tra cứu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; mở thêm tài khoản cho lãnh đạo ký và công chức xử lý hồ sơ.

Đinh Thắng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-an-nghia-hoat-dong-on-dinh-sau-sap-nhap-236185.htm