WTO: Thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng ấn tượng hậu đại dịch, châu Á vẫn là 'ngôi sao'

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa đưa ra dự báo, xuất nhập khẩu của các nước sẽ phục hồi ấn tượng khi mở cửa trở lại. Việt Nam được đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng cùng với đà phục hồi trên toàn châu Á.

Ngân hàng HSBC kỳ vọng, Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình hằng năm là 13% từ năm nay đến 2026. (Nguồn: Reuters)

WTO nhận định, trong năm nay và năm tới, dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, dự báo xuất khẩu của châu Á tiếp tục tăng cao, trong khi châu Phi không tăng đáng kể, do các nước nghèo khó hồi phục hơn sau đại dịch

Dự báo mới nhất của WTO cũng chỉ ra sự bất bình đẳng giữa các quốc gia dưới tác động về kinh tế của Covid-19. Các quốc gia nghèo hơn sẽ phục hồi thương mại chậm hơn do thiếu khả năng tiếp cận với vaccine.

Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của châu Á cuối năm 2022 sẽ cao hơn 18,8% so với hai năm trước đó, trong khi xuất khẩu của châu Phi dự kiến chỉ tăng 1,9%. WTO cũng dự kiến xuất khẩu của Bắc Mỹ sẽ tăng 8% và xuất khẩu của châu Âu sẽ cao hơn 7,8%.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WTO nhấn mạnh: “Tốc độ phục hồi thương mại không đồng đều. Các khu vực nghèo với dân số đông không được tiêm chủng đang bị tụt lại".

Theo WTO, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đã sụp đổ trong những tháng đầu của đại dịch khi các nhà máy đóng cửa và mạng lưới giao thông trên toàn cầu tê liệt. Dòng chảy thương mại bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2020 và trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm này.

Trong các khu vực, châu Á, châu lục có các cường quốc công xưởng như Trung Quốc và Hàn Quốc, dẫn đầu đà phục hồi thương mại. Cuối năm nay, WTO ước tính xuất khẩu của châu Á sẽ cao hơn 14,7% so với cuối năm 2019, trong khi xuất khẩu từ Bắc Mỹ vẫn sẽ giảm nhẹ so với mức trước đại dịch.

Các nhà kinh tế khác cũng kỳ vọng gia tăng thương mại sẽ diễn biến tích cực ở các khu vực của châu Á trong năm tới, do nguồn lao động giá rẻ dồi dào.

Ngân hàng HSBC kỳ vọng, Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình hằng năm là 13% từ năm nay đến năm 2026. Tiếp theo là Bangladesh với 12,9% và Sri Lanka là 10,1%.

Ngân hàng này chỉ đặt kỳ vọng tăng trưởng thương mại của Trung Quốc ở mức 5,6% hằng năm, tương đương với Mỹ và châu Âu.

Bất chấp sự sụp đổ đột ngột của thương mại thế giới vào đầu năm 2020, WTO không cho rằng đại dịch có ảnh hưởng lâu dài đến vai trò của xuất khẩu và nhập khẩu trong nền kinh tế toàn cầu.

WTO kỳ vọng thương mại sẽ tăng trưởng với tốc độ tương đương với nền kinh tế toàn cầu từ năm 2022 và những tắc nghẽn trong mạng lưới vận chuyển hàng hóa sẽ giảm bớt vào những tháng tới, khi có thêm các container mới mà các công ty vận tải đã đặt hàng hồi đầu năm nay.

Ông Robert Koopman, chuyên gia kinh tế trưởng của WTO cho biết: “Tôi dự đoán thế giới sẽ bước vào giai đoạn bình thường mới trong vài tháng tới, khi chúng ta bước vào năm 2022”.

Tuy nhiên, WTO cũng nhấn mạnh, chính sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19 mới là mối đe dọa chủ yếu đối với sự phục hồi mạnh mẽ của dòng chảy thương mại.

(theo WSJ)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/wto-thuong-mai-toan-cau-se-tang-truong-an-tuong-hau-dai-dich-chau-a-van-la-ngoi-sao-160795.html