WHO: Tình hình cúm gia cầm 'đáng lo ngại'
Ngày 24/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang hợp tác điều tra với chính phủ Campuchia sau khi nước này ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 trên người được phát hiện trong cùng một gia đình.
Trong một cuộc họp ngắn trực tuyến ngày 24/2, tiến sĩ Sylvie Briand, giám đốc phòng chống dịch bệnh và đại dịch cho biết WHO đang xem xét đánh giá rủi ro toàn cầu của dịch cúm gia cầm trên cơ sở những diễn biến gần đây.
Reuters cho biết lần gần đây nhất cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc thực hiện đánh giá rủi ro đối với con người do cúm gia cầm, tình hình được nhận định là gây ra nguy cơ thấp.
Tuy nhiên, do sự gia tăng các ca nhiễm cúm gia cầm ở chim và động vật có vú bao gồm cả con người trong khoảng thời gian vài tháng trở lại, ông nhận định tình hình hiện tại là rất “đáng lo ngại”.
Cụ thể từ năm 2020, một chủng H5N1 mới mang tên 2.3.4.4b đã xuất hiện và gây ra số ca tử vong kỷ lục ở các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi trong những tháng gần đây. Nó cũng lây nhiễm sang động vật có vú và làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu.
Tuy nhiên không giống như các đợt dịch cúm gia cầm trước, chủng H5N1 này không gây bệnh nghiêm trọng cho người. Cho đến nay, chỉ có khoảng 6 trường hợp được báo cáo cho WHO liên quan đến những người tiếp xúc gần với gia cầm bị nhiễm bệnh và hầu hết những trường hợp này đều bị bệnh ở mức độ nhẹ.
Tuy nhiên, việc Campuchia ghi nhận cái chết của một bé gái 11 tuổi do cúm gia cầm H5N1 hôm 23/2 đã khiến tình hình xuất hiện nhiều thay đổi. Ngay sau đó, chính phủ nước này đã tiến hành xét nghiệm 12 người có tiếp xúc gần với bé gái này và người cha của bé đã nhận kết quả dương tính với virus sau khi biểu hiện các triệu chứng của bệnh.
Trong bối cảnh đó, ông Briand tuyên bố: “WHO coi rủi ro từ loại virus này là nghiêm trọng và kêu gọi tất cả các quốc gia nâng cao cảnh giác”.
Trước mắt, ông cho biết WHO vẫn chưa rõ liệu dịch cúm gia cầm H5N1 có lây truyền từ người sang người hay không. Đó là lý do khiến tổ chức này tập trung vào các trường hợp nhiễm bệnh tại Campuchia, đặc biệt khi các ca nhiễm này là do "điều kiện môi trường giống nhau" và có khả năng cao tiếp xúc gần với gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc các động vật khác.
Ngoài ra, WHO cũng cho biết đang đẩy mạnh các nỗ lực chuẩn bị và lưu ý rằng tổ chức này có sẵn nguồn cung thuốc kháng virus cũng như 20 loại vaccine được cấp phép nếu tình hình thay đổi. Nếu tình hình xuất hiện bất ngờ, các loại thuốc và vaccine này sẽ cần phải được nâng cấp để phù hợp với chủng H5N1 đang lưu hành nếu cần.
Theo tiến sĩ Richard Webby, giám đốc Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu về Hệ sinh thái cúm ở động vật và chim tại Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St Jude, Mỹ cho biết quá trình này có thể mất từ 4 đến 5 tháng.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/who-tinh-hinh-cum-gia-cam-dang-lo-ngai-post18224.html