Web-drama đua nhau ra rạp

Nhiều dự án web-drama (phim chiếu mạng) thu hút đông đảo cộng đồng mạng được các nhà sản xuất nhanh nhạy nắm bắt đầu tư tạo thành tác phẩm điện ảnh chiếu rạp

Sau 2 phim chiếu rạp "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội" và "Pháp sư mù" xuất phát từ 2 web-drama "Thập Tam Muội" và "Ai chết giơ tay" thì đến nay có thêm 2 dự án web-drama được công bố làm phim điện ảnh là "Bố già" và "Vi Cá tiền truyện". Cả hai đều là những web-drama có hàng chục triệu lượt xem trên nền tảng YouTube.

Khai thác sự quen thuộc

Không ngoài dự đoán, trào lưu sản xuất phim điện ảnh có câu chuyện tiếp nối từ web-drama nổi tiếng trên nền tảng mạng đã thực sự nở rộ trong thị trường điện ảnh Việt. Sau gần một năm ra mắt "Bố già", nghệ sĩ Trấn Thành quyết định đưa tác phẩm này lên màn ảnh rộng với đạo diễn "cầm trịch" là Vũ Ngọc Đãng. Những diễn viên trong web-drama: NSND Ngọc Giàu, Tuấn Trần, Lê Giang… vẫn tiếp tục góp mặt trong bản điện ảnh. Phim được dự kiến sẽ công chiếu ra mắt khán giả vào dịp Tết nguyên đán.

Không đạt được lượng người xem nhiều như "Bố già", phim "Vi Cá tiền truyện" của Quách Ngọc Tuyên với câu chuyện về giới xã hội đen mà cụ thể là nhân vật Cá Con vẫn có lượng khán giả riêng yêu thích thể loại này.

Với thành công lớn về lượt xem, phản hồi tốt từ khán giả, việc "Bố già" và "Vi Cá tiền truyện" được nhà sản xuất nỗ lực đưa ra rạp cũng không khó đoán trong bối cảnh 2 phim xuất phát từ web-drama trước đó là "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội" và "Pháp sư mù", đều thắng doanh thu dù chất lượng gây tranh cãi. Điều đó cho thấy những yếu tố quen thuộc, đã tạo được niềm tin ở khán giả sẽ có lợi thế nhất định và hiện nhiều nhà làm phim tận dụng khai thác các yếu tố này để chinh phục khán giả.

"Khán giả Việt thích xem web-drama vì chúng miễn phí, ngày càng đa dạng thể loại, chất lượng hơn trước. Một web-drama được yêu thích, đồng nghĩa có lượng khán giả riêng, xây dựng nhân vật quen thuộc trong công chúng. Tôi thấy hiện nay yếu tố quen thuộc chiếm 75% trong một tác phẩm điện ảnh thị trường Việt và còn lại 25% cho sự mới lạ, ấn tượng" - đạo diễn, biên kịch Kay Nguyễn nhận định.

Cảnh trong web-drama “Bố già” rất thành công trên mạng của Trấn Thành. (Ảnh chụp từ màn hình)

Cảnh trong web-drama “Bố già” rất thành công trên mạng của Trấn Thành. (Ảnh chụp từ màn hình)

Cần nâng chất lượng

Con đường từ tác phẩm xem miễn phí đến thu phí, từ khán giả "ảo" đến "thật" luôn có một khoảng cách lớn. Đây cũng là lý do nhiều nhà sản xuất đắn đo, lo ngại việc đưa web-drama ra rạp. Ngay cả khi đã có đến 2 tác phẩm thành công doanh thu, phim điện ảnh từ web-drama cũng không phải là con đường dễ đi và là trào lưu mà mọi người đều có thể thực hiện được.

Nhà sản xuất, diễn viên Thu Trang từng thừa nhận thực hiện "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội" là một quyết định liều lĩnh. Cô và ê-kíp gặp khó trong quá trình xây dựng kịch bản. Một web-drama vốn đầu tư không cao nhưng phim điện ảnh đòi hỏi phải có số tiền đầu tư lớn mới cho ra sản phẩm tốt. Vấn đề kiểm duyệt - chuyện mà web-drama không phải lo đến, lại đáng suy nghĩ với phim điện ảnh.

Nhà sản xuất Hồng Tú của phim "Pháp sư mù" nhận định phim chiếu mạng và phim điện ảnh có cấp độ hoàn toàn khác nhau. Mọi người thường nghĩ phim điện ảnh làm từ web-drama sẽ đơn giản, dễ dàng vì sở hữu yếu tố thuận lợi là nhân vật, câu chuyện, lượng khán giả có sẵn. Tuy nhiên, khán giả xem miễn phí trên mạng lại hoàn toàn khác với khán giả bỏ tiền ra mua vé. Nó đòi hỏi ê-kíp thực hiện phải tạo ra một câu chuyện đặc sắc, lớp lang dựa trên các nhân vật đã có; đồng thời diễn viên, bối cảnh, phục trang, quay dựng… đều phải chuyên nghiệp, đủ chuẩn.

Những thách thức này không phải nhà làm phim nào cũng có thể vượt qua được. Ngay cả 2 phim đã từng thành công doanh thu như "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội" và "Pháp sư mù" cũng chưa chinh phục được trọn vẹn khán giả. Nhiều người tỏ ra không hài lòng về kịch bản, đường dây câu chuyện và cho rằng nó chưa xứng tầm một tác phẩm điện ảnh. Một số người gay gắt hơn thì chỉ trích nhà làm phim cố "vắt sữa" người hâm mộ bằng cách lợi dụng danh tiếng có sẵn từ web-drama.

"Đây là sự thử nghiệm nhưng theo tôi thì cũng chỉ như giải pháp tạm thời, thành công bước đầu vừa qua chủ yếu là dựa trên sự mới lạ, khiến khán giả tò mò. Nếu không nâng cao chất lượng, tác phẩm bị chê nhiều thì trào lưu này vẫn có nguy cơ chết yểu khi khán giả mất niềm tin" - biên kịch Thanh Hương cảnh báo.

Đạo diễn kiêm biên kịch Kay Nguyễn cũng cho rằng khán giả là người quyết định mọi trào lưu, xu hướng. Họ còn ủng hộ thì nhà sản xuất vẫn đua nhau khai thác và ngược lại. Hiện tại, thị hiếu khán giả ngày càng nâng chất nên việc nâng tầm chất lượng là "kim chỉ nam" để web-drama ra rạp sẽ tiếp tục phát triển.

Hời hợt là tự giết mình

Nhiều người trong giới nhận định việc tạo một tác phẩm điện ảnh dù bất cứ nguồn nào như Việt hóa, làm lại, chuyển thể từ văn học, truyện tranh, cải lương... nếu hời hợt, không bảo đảm chất lượng đều rất khó duy trì sức hút với khán giả. Những tư tưởng "tận thu" từ sự tò mò của khán giả mà không đầu tư chỉn chu sẽ chỉ khiến khán giả mất niềm tin. Mỗi trào lưu đều góp phần giúp thị trường đa dạng, phong phú hơn nhưng muốn lâu dài, đòi hỏi sự nghiêm túc, không ngừng sáng tạo từ phía nhà sản xuất. "Chất lượng là yếu tố phải bảo đảm để có niềm tin từ khán giả, tồn tại lâu dài" - đạo diễn Võ Thanh Hòa nhận định.

Mai Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/web-drama-dua-nhau-ra-rap-20201013203707091.htm