'Vừng ơi, mở ra'... cái gì?

Theo nhiều nghiên cứu sinh vật học thì hạt vừng có trong bữa ăn của con người từ năm 1.600 trước Công nguyên, và được coi là một trong những thứ hạt lâu đời nhất. Truyền thuyết 'Lưu Nguyễn nhập thiên thai' (Trung Quốc) kể khi hai chàng Lưu Nguyễn gặp tiên nữ thì thấy họ ăn cơm với vừng đen. Chi tiết này có thể là để 'thi vị hóa' món ăn dân dã cũng là món ăn của 'tiên'. Nhưng chắc có một ý nghĩa là hạt vừng rất quý. Quý nên 'tiên' mới dùng!

Lại có truyền thuyết về nhân vật Lỗ Nhĩ Sinh hơn 80 tuổi, chỉ ăn vừng mà vẫn khỏe, đi mấy ngàn dặm “nhanh như hươu nai”. Lại có thể hiểu hạt vừng rất có ích cho con người, cung cấp năng lượng rất tốt cho người cao tuổi. Truyền thuyết Phật giáo kể Thái tử Siddhartha trong thời kỳ đầu đi tìm giáo lý Phật pháp đã trải qua thực tập với các thử thách gian nan nhất, như ngủ trên giường có chiếu trải là những gai nhọn. Mỗi ngày chỉ ăn một hạt lúa mì, và một hạt vừng. Thế nên thân Ngài rất gầy… Tóm lại, từ rất xa xưa, hạt vừng đã được coi là món ăn vừa quý, vừa bình dân, từ Tiên đến Phật, rồi người thường dân, ai cũng có thể ăn…

Hình ảnh cây vừng dân dã.

Hình ảnh cây vừng dân dã.

Lấy hạt vừng nhỏ bé, hết sức bình dị, giản đơn để đặt tên cho giải pháp “mở ra” cực lớn, chắc truyền thuyết xứ Ba Tư có lý lẽ riêng của họ!

Không chỉ “nở” ra tươi tốt ở xứ Ả Rập, hạt vừng còn “nở” ở mọi vùng văn hóa trên thế giới. Huyền thoại nhiều dân tộc phương Tây kể khi các vị Thánh gặp nhau ở Nước Chúa. Trước khi bàn đến vấn đề lớn nhất là sáng tạo nên thế giới, họ đã cùng nhau uống loại rượu vang làm từ hạt vừng. Chi tiết này có thể đi vào tập quán người Hy Lạp cổ nên đã giúp họ cho thêm vừng vào các món bánh mì nướng.

Ngày nay ở một số nước phương Tây vẫn còn tập quán này, nên với một số loại bánh được rắc vừng thì bán chạy hơn hẳn. Theo truyền thuyết của người Hindu thì hạt vừng là biểu tượng cho sự bất tử và niềm tin. Vì lẽ này dầu vừng (thứ dầu được ép từ hạt vừng) thường được dùng trong các nghi lễ. Theo sử sách thì người Trung Quốc dùng cây vừng để chế tạo làm thành một thứ mực viết. Người Ai Cập dùng dầu vừng thắp sáng đốt đèn. Người Ả Rập, Ấn Độ chủ yếu dùng dầu vừng trong lễ nghi tôn giáo… Đến đây ta có thể hiểu thêm hình tượng “vừng” trong câu thần chú, vì đó còn là biểu tượng mang tính hai chiều, vừa đời thường, gần gũi, vừa thiêng liêng, cao quý (!?).

Trước 1986, ở ta tàu xe đi lại khó khăn, lương thực, thực phẩm đắt đỏ, hiếm hoi nên cứ đi xa là phải có “cơm nắm muối vừng”. Ngày ấy là bình dân, “quê mùa” nhưng với ngày nay thì thành “đặc sản”. Giời ạ! Xa nhà, lúc đói giở “cơm nắm” ra, xắt từng miếng nhỏ chấm với muối vừng, thì hơn mọi “sơn hào hải vị”. Nếu muối vừng lại thêm “ruốc khô” thì “hết xảy” (từ ngữ trước 1986 hay dùng). Thế nên mới có ca dao: “Muối mè rang với ruốc khô/ Có chết xuống mồ cũng dậy mà ăn”. Vừng (còn gọi là “mè”) thường được dân gian dùng làm món ăn gọi là “muối vừng”, bằng cách cho vừng khô cùng ít muối hạt rang già, giã mịn. Rang ít thì ăn ngay, rang nhiều thì cho vào lọ ăn hàng tuần mà vẫn thơm mùi.

Có kích thước rất nhỏ, hình bầu dục, vỏ hạt vừng có nhiều loại: màu trắng kem, màu vàng, tím, đen, đỏ. Ở Việt Nam thường có 2 loại vừng trắng (hạt màu trắng kem) và vừng đen. Hạt vừng nhỏ đến mức đi vào ca dao trào phúng để chế giễu những “đấng nam nhi” mà yếu đuối quá: “Làm trai cho đáng sức trai/ Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng”. Ở ta vừng được trồng ở nhiều nơi, miễn là có đất trồng trọt. Nhưng ngon nổi tiếng thì vừng Sơn La và Bắc Giang. Ai lên Bắc Giang sẽ được biết “đặc sản” bánh đa rắc vừng đen, thơm giòn ngon nổi tiếng. Lên Sơn La sẽ được thưởng thức món xôi vừng đen...

Hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico có sản lượng vừng cao nhất thế giới. Đa số vừng được thu hạt để ép lấy dầu. Theo phân tích, trong mỗi hạt vừng chứa từ 38-50% dầu, chống lại sự ôi thiu và khó bị đông đặc trong nhiệt độ thấp. Ở Trung Quốc vừng còn dùng nhiều vào việc làm thuốc. Các nước phương Tây và Ấn Độ thường dùng làm các món ăn, nhất là để chế biến món salad. Món này có thêm vừng sẽ cho hương vị thơm ngon khác hẳn. Ở ta có thương hiệu kẹo vừng giòn tan hấp dẫn trẻ em.

Hình ảnh một nghi lễ dùng đèn dầu vừng ở Ấn Độ.

Hình ảnh một nghi lễ dùng đèn dầu vừng ở Ấn Độ.

Trong các loại vừng, vừng đen (còn gọi mè đen, hồ ma, du tử miêu), Đông y gọi là “hắc chi ma”, một loại thuốc bổ, có vị ngọt, tính bình, không độc, ích gan, bổ thận, nhuận tràng, điều hòa ngũ tạng... Vừng đen được ưa chuộng vì những tính năng đặc biệt của nó, không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng rất tốt, nhờ thành phần có nhiều chất dinh dưỡng nên thích hợp cho người già yếu suy nhược, trẻ em suy dinh dưỡng, sản phụ thiếu máu, thiếu sữa. Ngoài ra còn cung cấp các vitamin nhóm B (B1, B2, B3…) giúp hoạt động của hệ thần kinh, hỗ trợ chuyển hóa năng lượng từ thức ăn.

Một bài thuốc quý Đông y làm từ vừng cùng hà thủ ô và mật ong đến nay vẫn còn dùng phổ biến. Có điều đặc biệt là khi đồ vừng phải làm đủ 9 lần mới phát huy hết tác dụng. Theo y học cổ truyền phương Đông, ba loại món ăn “cực bổ dưỡng” có vừng đen, thích hợp mọi lứa tuổi, tốt nhất cho người yếu: Vừng đen hầm với chân giò (heo/lợn); Cháo vừng; Nước mật ong vừng (giã vừng thành bột trộn với mật ong).

Với tư cách một biểu tượng, tất nhiên vừng “nở hạt” nhiều trong văn chương, nhiều hơn trong thơ. Chỉ xin giới thiệu vài câu trong bài thơ hay “Món quê” (2006) của Nguyễn Trọng Tạo: “Nghìn năm hay vạn năm xưa/ Muối vừng cơm nắm lon dưa vại cà/ Món quê thơm thảo mặn mà/ Vẫn len lỏi chốn phồn hoa phố phường”. Cũng xin trình bày một băn khoăn mong độc giả chỉ giáo. Đó là câu ca dao: “Tiếc công anh vun vén cây mè/ Mè chưa ra trái, con chim què đậu lên”. Và một bài khác dài hơn: “Sớm mai ra đứng sân sau/ Hai tay xụi xuống như tàu chuối te/ Tiếc công vun quén cây mè/ Mè không ra trái, chim hòe đậu lên/ Tiếc công lên xuống, xuống lên/ Mòn đàng chết cỏ không nên tự trời…”. Cả hai đều nói về tâm trạng người trai thất tình. Nhưng tại sao lại mượn hình tượng “cây mè”? “Chim què” hay “chim hòe”? Chim hòe không thấy trong Danh mục các loài chim…?

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/vung-oi-mo-ra-cai-gi--i731469/