'Vua tôm' Thủy sản Minh Phú (MPC): Lợi nhuận đi lùi, sẽ tập trung vào thị trường nội địa

Lợi nhuận của công ty mẹ - Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú (mã cổ phiếu MPC) trong quý 1/2024 đã giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Ban lãnh đạo tập đoàn này cho biết sẽ tăng cường khai thác thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu tôm còn nhiều thách thức.

Ông Lê Minh Quang - Tổng giám đốc Thủy Sản Minh Phú giới thiệu tôm thẻ tại siêu thị Bách Hóa Xanh trong bối cảnh tập đoàn đang tăng cường khai thác thị trường nội địa.

Ông Lê Minh Quang - Tổng giám đốc Thủy Sản Minh Phú giới thiệu tôm thẻ tại siêu thị Bách Hóa Xanh trong bối cảnh tập đoàn đang tăng cường khai thác thị trường nội địa.

Kết thúc quý 1/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú (mã cổ phiếu MPC - sàn UPCoM) ghi nhận doanh thu thuần trên báo cáo tài chính riêng là 1.316 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp của tập đoàn này đạt 7,6%.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Thủy sản Minh Phú thu ghi nhận 24,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Lê Văn Điệp - Phó Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú cho biết lợi nhuận tăng trưởng âm vì cổ tức từ các công ty con, liên kết giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, Thủy sản Minh Phú đặt mục tiêu doanh thu đạt 15.805 tỷ đồng, tăng 46% so với mức thực hiện của năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.021 tỷ đồng, so với mức lỗ 105 tỷ đồng trong năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức lãi cao nhất của Công ty từ năm 2008 đến nay.

Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, Thủy sản Minh Phú đã hoàn thành được 17% kế hoạch doanh thu nhưng vẫn còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Ban lãnh đạo Thủy sản Minh Phú cũng đánh giá mục tiêu lợi nhuận vượt nghìn tỷ năm nay đối mặt với không ít thách thức từ biến động kinh tế.

Cụ thể, theo Thủy sản Minh Phú, hiện tại tôm Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác tại các thị trường mục tiêu.

Theo đó, Việt Nam hiện đang xuất khẩu tôm đến các thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Mặc dù là một trong những quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu lớn đến thị trường Mỹ và Trung Quốc nhưng do cạnh tranh về giá cả nên tình hình xuất khẩu trong thời gian vừa qua “không mấy khả quan”.

Tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam được xem là đối tác được ưu ái khi là quốc gia có tỷ trọng nhập khẩu tôm cao nhất vào Nhật Bản nhưng do giá tôm giảm trên toàn cầu trong bối cảnh nguồn cung tăng, nhu cầu giảm nên giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam là chưa cao, theo đánh giá của ban lãnh đạo Thủy sản Minh Phú.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MPC của Thủy sản Minh Phú trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MPC của Thủy sản Minh Phú trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Đối với rủi ro giá nguyên liệu, Thủy sản Minh Phú nhận định, rủi ro lớn nhất là chi phí con giống, thức ăn thủy sản và môi trường nuôi trồng. Trong đó, đa số vùng nuôi thủy sản tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thường xuyên bị ảnh hưởng từ nguồn nước ô nhiễm và các vấn đề về hạn hán hoặc xâm nhập mặn, dịch bệnh trên vật nuôi do biến đổi khí hậu.

Theo đó, Thủy sản Minh Phú sẽ thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào chế biến sâu nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và giữ chất lượng nguyên liệu đầu vào để đối mặt với các thách thức trên.

Đồng thời, công ty sẽ theo dõi thị trường và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh linh hoạt, đẩy mạnh mở rộng sang các quốc gia châu Á nhằm giảm chi phí vận chuyển trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao và tìm kiếm thị trường ngách cũng như tăng khả năng phục vụ thị trường nội địa.

Ban lãnh đạo Thủy sản Minh Phú cho biết sắp tới sẽ khai thác mạnh trở lại thị trường trong nước với mục tiêu đưa tổng tỷ trọng doanh thu nội địa từ mức 1% hiện tại lên 5-10%.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/vua-tom--thuy-san-minh-phu--mpc-loi-nhuan-di-lui--se-tap-trung-vao-thi-truong-noi-dia-121260.htm