'Vua kungfu' Lý Liên Kiệt chống chọi với cường giáp
Những chia sẻ mới đây của ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt trên trang cá nhân đã làm nhiều người hâm mộ nhắc đến căn bệnh cường giáp ông chống chọi hơn 10 năm qua. Để bạn đọc hiểu rõ căn bệnh này, chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên môn của bác sĩ.
“Nguyện bớt khổ đau, sức khỏe dồi dào…”
Lý Liên Kiệt là một trong những ngôi sao võ thuật lừng danh thế giới của điện ảnh Trung Quốc. Với tài năng thiên bẩm về võ thuật, ông được truyền thông xưng tụng “vua kungfu”, tên tuổi gắn liền với nhiều bộ phim nổi tiếng: Thiếu Lâm Tự, Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp… Từ năm 2020, ngôi sao võ thuật sinh năm 1963 này đã gần như không còn xuất hiện trước truyền thông, từ chối tham gia các hoạt động của làng giải trí. Cũng vì bặt tin nên Lý Liên Kiệt thường xuyên bị đồn phải ngồi xe lăn suốt quãng đời còn lại, đã qua đời do bệnh nặng.
Xuất hiện tại một hoạt động từ thiện ở Bắc Kinh hồi tháng 7.2016, Lý Liên Kiệt công khai tình trạng sức khỏe: “Tôi thẳng thắn chia sẻ với mọi người vấn đề của căn bệnh cường giáp. Tôi đang bị bệnh, rất đau đớn nhưng không ngồi xe lăn. Tôi không phải Hoắc Nguyên Giáp, không phải Hoàng Phi Hồng, càng không phải anh hùng màn bạc. Tôi cũng giống như mọi người, chỉ là một người bình thường phải đối mặt với vấn đề sức khỏe, khiến tôi không thể tiếp tục làm việc”.
Ông cho biết bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh cường giáp từ năm 2013, mỗi phút nhịp tim đập trên 100, do vậy không thể vận động cường độ mạnh. Số lượng phim tham gia cũng vì thế mà giảm mạnh, khiến sự nghiệp diễn xuất của ông bị ảnh hưởng lớn. Một người bạn thân của Lý Liên Kiệt tiết lộ ông đã điều trị theo nhiều phương pháp, kết hợp Trung và Tây y, thậm chí ngồi thiền.
Sau thời gian ở ẩn điều trị bệnh cường giáp, Lý Liên Kiệt xuất hiện tại Đài Loan để quảng bá cuốn sách Vượt qua sinh tử: Lý Liên Kiệt đi tìm Lý Liên Kiệt, 11.2023. Ảnh: SETN
Trên trang cá nhân ngày 15.6.2024, Lý Liên Kiệt đăng một số hình chụp cùng gia đình, trong đó có ảnh chụp với thiền sư. Trạng thái ông vui vẻ khi lên núi tĩnh tâm, tu tập ở cao nguyên có độ cao 4.000m so với mực nước biển. Diện mạo đầy sinh lực, không tiều tụy và già nua như hình ảnh cách đây vài năm. “Mười năm trước lần đầu tiên tôi đến nghỉ dưỡng trên những ngọn núi này. Năm nay, tôi rất hạnh phúc vì vợ và con gái út của tôi Jada có thể cùng tôi trải nghiệm nơi rất đặc biệt này. Phần quan trọng nhất của mỗi buổi tập là nguyện cho hòa bình thế giới, bớt đau khổ và sức khỏe dồi dào, hạnh phúc cho tất cả”, Lý Liên Kiệt chia sẻ.
Cường giáp có thể gây biến chứng nguy hiểm
ThS-BS. Phạm Thị Hồng Nhung (khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến sản xuất nhiều hormone giáp hơn bình thường. Hậu quả là làm gia tăng nồng độ hormone trong máu, gây ra những tổn hại về mô và chuyển hóa. Có nhiều nguyên nhân gây cường giáp, thường gặp nhất là Basedow (chiếm khoảng 90%, là bệnh tự miễn, cơ thể sinh ra kháng thể kích thích tuyến giáp tổng hợp hormone). Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: giai đoạn đầu của viêm tuyến giáp mạn tính; bướu nhân đơn nhân hoặc đa nhân độc; chửa trứng; u tuyến yên tiết TSH…
Có thể nhận diện sớm bệnh cường giáp thông qua một số triệu chứng: sút cân; hồi hộp, trống ngực; cơn nóng bừng, vã mồ hôi, khát nước; run tay biên độ nhỏ, tần số nhanh, tay nóng ẩm; đại tiện phân lỏng do tăng nhu động ruột; thay đổi khí sắc (lo lắng, dễ cáu gắt…). Một số người bệnh có thể thấy mắt lồi hơn và cổ to hơn so với bình thường…“Nếu không điều trị, cường giáp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Biến chứng nguy hiểm nhất là cơn nhiễm độc giáp cấp hay còn gọi là bão giáp, có tỷ lệ tử vong cao dù được phát hiện và điều trị. Cơn bão giáp điển hình bao gồm ý thức lú lẫn, hôn mê, sốt cao 38 - 41 độ C, mất nước nặng, nhịp tim nhanh > 150 lần/ phút, tức ngực, suy tim, tụt huyết áp…”, BS. Nhung lưu ý.
Điều trị đúng cách có thể bình giáp
Theo tư vấn của BS. Nhung, điều trị cường giáp quan trọng nhất là đưa cơ thể về trạng thái bình giáp. Có 3 phương pháp thường được nhắc đến khi điều trị cường giáp: nội khoa (bằng thuốc), iốt phóng xạ và phẫu thuật.
Điều trị bằng thuốc là chỉ định đầu tiên trong điều trị bệnh lý cường giáp. Bác sĩ sẽ xem xét lựa chọn phẫu thuật khi thất bại với điều trị nội khoa và iốt phóng xạ. Người bệnh phải tuân thủ phác đồ điều trị, đảm bảo uống thuốc đúng liều lượng và nên cùng một thời điểm mỗi ngày. Không dùng chung thuốc với nước ép bưởi để tránh tương tác thuốc. Báo ngay cho bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ của thuốc (phát ban, nổi mề đay, ngứa, chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiêu hóa…). Tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị, từ đó có thể điều chỉnh liều thuốc sao cho phù hợp.
Đối với cường giáp do Basedow có thể điều trị ổn định. Nếu dùng thuốc, sẽ kéo dài 12 - 24 tháng. Sau khi trở về trạng thái bình giáp, dù điều trị bằng phương pháp nào thì người bệnh vẫn cần theo dõi và thăm khám định kỳ vì có nguy cơ tái phát. Phẫu thuật cường giáp do Basedow được lựa chọn khi thất bại với điều trị nội khoa và iốt phóng xạ. Một số trường hợp chỉ định phẫu thuật: phụ nữ mong muốn có thai cần sớm đạt bình giáp; bướu giáp to chìm trong lồng ngực; Basedow phối hợp bướu đa nhân… Phẫu thuật có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.
Trường hợp cắt toàn bộ, người bệnh có nguy cơ mắc suy tuyến cận giáp (tuyến tiết hormone liên quan đến chuyển hóa canxi). Lúc này cần dùng canxi và vitamin D dạng hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, còn có các biến chứng khác như liệt dây thanh. Sau phẫu thuật người bệnh thường sẽ đạt trạng thái bình giáp, tuy nhiên có một số trường hợp cường giáp trở lại hoặc suy giáp. Vì vậy, sau phẫu thuật cần thăm khám định kỳ.
Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống phù hợp. Cần loại bỏ hoàn toàn thực phẩm giàu iốt (các loại tảo, rong biển, lòng đỏ trứng gà, rau cần, cá biển, sữa, bơ, phô mai, muối iốt…). Ăn quá nhiều thực phẩm giàu iốt hoặc tăng cường iốt sẽ làm tăng sản xuất hormone tuyến giáp, khiến bệnh tiến triển nặng nề hơn. Ngoài ra, cường giáp khiến hệ xương khớp yếu, giòn do rối loạn chuyển hóa canxi máu, dẫn đến loãng xương. Vì vậy, bổ sung canxi và vitamin D vào chế độ ăn uống rất cần thiết đối với người bệnh cường giáp, giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, tăng cường sức khỏe xương khớp. Các loại nước uống như trà, cà phê, nước tăng lực có chứa caffeine có thể làm các triệu chứng của cường giáp nặng hơn, nên tránh hoặc hạn chế dùng, thay thế bằng trà thảo mộc tự nhiên, nước ép trái cây không thêm đường...
Những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, căng thẳng kéo dài cũng có thể khiến người bệnh cường giáp không đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn. Do đó, nên ngủ đủ giấc và ngủ trước 11 giờ. Thư giãn tinh thần bằng các hoạt động như đi bộ, tắm nước ấm, nghe nhạc, thiền, massage… để giúp giảm căng thẳng. Tăng cường vận động với các hình thức phù hợp tùy theo sở thích như chạy bộ, đạp xe, tập yoga, bơi lội... “Cường giáp là bệnh lý thường gặp ở tuyến giáp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, kết hợp điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống phù hợp thì có thể giúp người bệnh sớm đạt trạng thái bình giáp”, BS. Nhung nhấn mạnh.
Hoàng Khải - Bảo Hân