Vụ thuế đối ứng: Chứng khoán Mỹ, giá dầu và USD tiếp tục đà giảm
Chứng khoán Mỹ tiếp tục đà giảm trong ngày 8-4 sau đòn áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên hàng hóa các nước.
Tính từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng hôm 2-4, các doanh nghiệp thuộc chỉ số chứng khoán S&P 500 đã mất 5.800 tỉ USD giá trị vốn hóa chỉ trong vài ngày.
Theo hãng tin Reuters, đây là mức sụt giảm sâu nhất trong lịch sử chỉ số này kể từ những năm 1950.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng biến động mạnh. Đường cong lợi suất đạt độ dốc lớn nhất kể từ tháng 2-2022 khi lợi suất trái phiếu dài hạn bật tăng mạnh do lo ngại nguồn cung dư thừa.

Cổ phiếu Mỹ giảm vào chiều 8-4, sau đợt tăng ngắn ngủi vào buổi sáng cùng ngày. Ảnh: GETTY IMAGES
Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 đóng cửa dưới ngưỡng 5.000 điểm lần đầu tiên trong gần một năm. Trước đó trong phiên, thị trường từng tăng mạnh nhờ kỳ vọng Washington có thể đàm phán giảm bớt loạt thuế quan quyết liệt.
“Nhà đầu tư ban đầu kỳ vọng lạc quan, nhưng rồi nhận ra họ chẳng có lý do gì vững chắc để tin như vậy” - bà Melissa Brown, Giám đốc điều hành mảng phân tích quyết định đầu tư tại SimCorp, bình luận.
Chốt phiên ngày 8-4, chỉ số Dow Jones giảm 0,84%, xuống còn 37.645,59 điểm. S&P 500 mất 1,57% xuống còn 4.982,77 điểm. Nasdaq lao dốc 2,15%, xuống mức 15.267,91 điểm.
Chỉ số MSCI toàn cầu giảm 0,34%, còn 742,96 điểm. Riêng chỉ số STOXX 600 của châu Âu lại tăng nhẹ 2,72%.
Giới đầu tư hiện đang hướng sự chú ý về mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý của các doanh nghiệp Mỹ, sẽ chính thức bắt đầu trong tuần này. Ba “ông lớn” ngân hàng gồm JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo sẽ công bố kết quả kinh doanh vào ngày 11-4 tới.
Ông Adam Sarhan - Giám đốc điều hành của công ty 50 Park Investments (bang New York, Mỹ) - cho rằng những báo cáo tích cực có thể trở thành chất xúc tác hỗ trợ thị trường. Giám đốc điều hành JPMorgan - ông Jamie Dimon trước đó cảnh báo rằng các cuộc chiến thương mại có thể để lại hậu quả tiêu cực kéo dài, bao gồm lạm phát và nguy cơ suy thoái.
Trên thị trường trái phiếu, đường cong lợi suất giữa kỳ hạn 2 năm và 10 năm giãn rộng mạnh lên 57 điểm cơ bản khi lợi suất hai kỳ hạn này di chuyển ngược chiều trong phiên giao dịch đầy biến động.
Lợi suất trái phiếu 10 năm bật tăng lên 4,283% do nhà đầu tư lo ngại nhu cầu yếu trước phiên đấu giá trái phiếu ngày 9-4. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu 2 năm – vốn nhạy cảm với chính sách lãi suất – quay đầu giảm 2,3 điểm cơ bản, còn 3,715%.
Trên thị trường tiền tệ, đồng euro tăng giá sau thông tin các đảng chính trị tại Đức đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh. Trong khi đó, đồng USD tiếp tục suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt, còn đồng nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Giá dầu thế giới tiếp tục hạ nhiệt khi lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Dầu Brent giảm 1,39 USD, chốt phiên ở mức 62,82 USD/thùng. Dầu WTI của Mỹ mất 1,12 USD, dừng ở mức 59,58 USD/thùng.