Vụ người đàn ông cưới 2 vợ dưới góc nhìn pháp lý
Trong 3 tuần anh Nh. tổ chức đám cưới với 2 cô gái và cả hai người này đều mang thai, song anh Nh. vẫn chưa đăng ký kết hôn với ai. Việc này có bị pháp luật nghiêm cấm hay không?
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước câu chuyện anh Nh. (trú phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trong 3 tuần đã tổ chức đám cưới với chị D. (trú phường Vĩnh Điện) và chị L. (trú xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn).
Trước khi diễn ra lễ cưới, cả chị D. và chị L. đều mang thai. Nhiều độc giả thắc mắc liệu chàng trai có vi phạm quy định về chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng hay không, việc tổ chức lễ cưới với đồng thời 2 người sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
![Trong 3 tuần tổ chức đám cưới với 2 cô gái và cả hai người này đều mang thai, song Nh. vẫn chưa đăng ký kết hôn với ai.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_94_51473778/2c75d965e82b0175583a.jpg)
Trong 3 tuần tổ chức đám cưới với 2 cô gái và cả hai người này đều mang thai, song Nh. vẫn chưa đăng ký kết hôn với ai.
Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, sự việc chàng trai kết hôn với 2 cô gái là chuyện hi hữu, hiếm có xảy ra trong cuộc sống. Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, bảo đảm phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, Nhà nước chỉ thừa nhận chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng, cá nhân đã kết hôn chỉ được có 1 vợ hoặc 1 chồng trong thời kỳ hôn nhân và trong thời kỳ hôn nhân nghiêm cấm không được kết hôn, chung sống như vợ chồng với người khác.
Qua quá trình xác minh, tìm hiểu thông tin của lực lượng chức năng được biết, phía UBND phường Điện An xác nhận chưa từng giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn giữa anh Nh. và chị D, chị L. Lãnh đạo UBND phường Vĩnh Điện và UBND xã Điện Hòa cũng xác nhận 2 cơ quan này chưa từng giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn giữa anh Nh. và chị L, giữa chị D và anh Nh.
Như vậy, có thể khẳng định trên phương diện pháp luật, anh Nh. chưa được xác định là có mối quan hệ vợ chồng với chị D hoặc chị L.
Bởi, theo quy định tại khoản 5 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc kết hôn giữa nam và nữ được xác lập theo quy định, các điều kiện của Luật và phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng trong vụ việc này giữa anh Nh, chị D, chị L chưa xác lập việc kết hôn tại Cơ quan Nhà nước.
Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn nhưng không thực hiện việc đăng ký kết hôn không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Quan hệ vợ chồng chỉ được pháp luật thừa nhận khi thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đối với việc tổ chức cưới hỏi do 2 bên gia đình thực hiện chỉ là thủ tục theo phong tục, văn hóa truyền thống, không phát sinh quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng theo quy định, pháp luật không điều chỉnh về việc này.
Do đó, anh Nh và chị D, chị L không vi phạm chế độ hôn nhân 1 vợ, 1 chồng, tuy nhiên, xét trên khía cạnh đạo đức, văn hóa thì chưa thực sự phù hợp với các giá trị đạo đức, lối sống.
Nếu trường hợp xác định anh Nh có vợ mà thực hiện việc chung sống với người khác như vợ chồng thì có thể anh Nh bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể tới 3 năm tù theo quy định tại điều 182 Bộ luật hình sự.