Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não: Người đánh đối diện khung hình phạt cao nhất là gì?

Bị can đánh nam sinh lớp 8 trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mức phạt tù cao nhất không quá ba phần tư mức phạt tù của khung hình phạt.

Như PLO đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an huyện Long Biên, TP Hà Nội đã đề nghị truy tố Trương Văn Minh (16 tuổi) về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra xác định TVK (SN 2012, em trai Minh) là đồng phạm với Minh về hành vi gây thương tích cho cháu NHĐ (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Việt Hưng).

Tuy nhiên, tính đến thời điểm phạm tội, K mới 11 tuổi 5 tháng 20 ngày. Vì vậy, K chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan điều tra đã thông báo về địa phương nơi cư trú và trường học của K. để phối hợp quản lý, giáo dục K.

 Nam sinh lớp 8 bị đánh chết não và đã qua đời sau 2 tháng điều trị.

Nam sinh lớp 8 bị đánh chết não và đã qua đời sau 2 tháng điều trị.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS.LS Phan Mạnh Thăng, Đoàn Luật Sư TP.HCM cho biết đối với bị can chính là Trương Văn Minh thực hiện hành vi phạm tội khi đang 16 tuổi thì theo khoản 1, Điều 12 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Do đó, theo quy định của BLHS thì Minh đã đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Tuy nhiên, đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng dưới 18 tuổi phạm tội, trường hợp bị phạt tù có thời hạn, thì mức phạt tù cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (¾) mức phạt tù mà điều luật quy định theo khoản 1 Điều 101 BLHS.

Theo tội cố ý gây thương tích tại điểm a, khoản 4, Điều 134 BLHS theo đề nghị truy tố của Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên, TP Hà Nội đề nghị truy tố thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7-14 năm tù.

Do đó, đối với trường hợp của bị can Trương Văn Minh (SN 2008), áp dụng khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 nêu trên, mức hình phạt cao nhất mà bị can có thể phải gánh chịu là 10 năm 6 tháng (tức bằng ¾ mức hình phạt cao nhất 14 năm tù).

Thứ hai, đối với em TVK (em ruột Minh) cũng được xác định đồng phạm trong vụ án nhưng không bị xử lý hình sự.

Căn cứ Điều 12 BLHS tuổi chịu trách nhiệm hình sự được xác định là từ đủ 14 tuổi trở lên. Trong trường hợp này, mặc dù em ruột của bị can Trương Văn Minh được Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định là đồng phạm tuy nhiên, tại thời điểm phạm tội, em ruột của bị can chỉ mới 11 tuổi 5 tháng 20 ngày.

Do đó, K. chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/vu-nam-sinh-lop-8-bi-danh-chet-nao-nguoi-danh-doi-dien-khung-hinh-phat-cao-nhat-la-gi-post805268.html