Vụ kiện hành chính về thu hồi đất của bà Nguyễn Thị Xuân để thi công đường nối cầu Đại Lộc với Quốc lộ 1: Chánh án TAND tối cao quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm
Báo Quảng Trị ngày 7/12/2018 và 6/5/2019 có các bài viết liên quan đến vụ kiện hành chính về thu hồi đất của bà Nguyễn Thị Xuân để thi công đường nối cầu Đại Lộc với Quốc lộ 1. Theo đó, các bài báo đã phản ánh những vướng mắc xoay quanh bản án hành chính sơ thẩm số 02/2017/HCST ngày 18/5/2017 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Trị khi giải quyết vụ việc dẫn đến không thể thi hành án được, trong đó có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Chính vì vậy, Chánh án TAND tối cao đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Trước đó, ngày 2/8/2018, Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà có đơn đề nghị xem xét lại bản án hành chính sơ thẩm; ngày 21/1/2019, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị có Công văn số 03/ĐĐBQH-VP chuyển Báo cáo số 286/BC-UBND ngày 27/11/2018 và Công văn số 2498/UBND-VP ngày 24/12/2018 của UBND thành phố Đông Hà đến Chánh án TAND tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 46/2019/KN-HC ngày 22/10/2019 do Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du kí, thể hiện: Về thủ tục tố tụng, bà Nguyễn Thị Xuân khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 2594/QĐ-UBND về thu hồi đất và một phần Quyết định số 2595 (về phần phê duyệt phương án bồi thường về đất) cùng ngày 12/11/2015 của UBND thành phố Đông Hà và Quyết định số 333/ QĐ-UBND ngày 13/1/2017 của Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định người bị kiện trong vụ án này chỉ có Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà là xác định thiếu người bị kiện dẫn đến UBND thành phố Đông Hà không có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm theo quy định tại Điều 204 Luật Tố tụng hành chính năm 2014. Mặc dù không đưa UBND thành phố Đông Hà vào tham gia tố tụng trong vụ án nhưng lại hủy các Quyết định số 2594, 2595 của UBND thành phố Đông Hà để xem xét giải quyết lại theo quy định pháp luật là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập, đưa Quyết định số 2425/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 thu hồi 43/247 m2 đất của bà Xuân và các Quyết định số 2426/QĐ-UBND ngày 30/10/2015, số 852/QĐ-UBND ngày 12/6/2016 phê duyệt phương án bồi thường cho gia đình bà Xuân vào hồ sơ vụ án là thiếu sót.
Về nội dung, để thi công đường nối cầu Đại Lộc với Quốc lộ 1, bà Nguyễn Thị Xuân có 2 thửa đất đã được cấp giấy CNQSD đất bị thu hồi và được bồi thường, hỗ trợ gồm 43/247m2 của thửa đất số 234 theo Quyết định số 2425 và 321/389 m2 tại thửa 39a theo Quyết định số 2594. Tuy nhiên, bà Xuân yêu cầu Tòa án hủy các Quyết định số 333, 2594, 2595 với lí do Quyết định 2594 chỉ thu hồi 321 m2 (trong tổng số 389 m2 của thửa đất 39a), không có quyết định thu hồi, bồi thường diện tích 288 m2 đất chưa được cấp giấy CNQSD đất. TAND tối cao nhận định, 198 m2 đất (một phần trong tổng số 288 m2 đất chưa được cấp giấy CNQSD đất) là do bà Xuân đã khai hoang, sử dụng ổn định, không có tranh chấp trước ngày 1/7/2004 là đủ điều kiện để được cấp giấy CNQSD đất và khi nhà nước thu hồi bà Xuân đủ điều kiện được bồi thường về đất. Tại Quyết định số 333, Chủ tịch UBND thành phố đã giao các cơ quan chức năng thành phố tham mưu phương án thu hồi, bồi thường đối với diện tích 198 m2 nhưng cho rằng gia đình bà Xuân không đồng ý nên chưa ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường đối với 198 m2 đất này cho gia đình bàn Xuân là không đúng pháp luật. Đối với 90 m2 đất (phần còn lại của diện tích 288 m2) cho rằng thuộc phạm vi hành lang an toàn kênh mương và xác nhận chủ sử dụng là UBND phường Đông Lương và Quyết định số 333 đề nghị “gia đình bà Xuân liên hệ với UBND phường Đông Lương để được giải quyết theo thẩm quyền” mà không xem xét, quyết định đối với diện tích đất này cho gia đình bà gia đình Xuân là không đúng pháp luật. Đối với diện tích này cần yêu cầu UBND phường Đông Lương xuất trình tài liệu chứng minh thuộc hành lang an toàn kênh mương. Trên cơ sở đó, xem xét việc bồi thường, hỗ trợ đối với 90 m2 đất theo đúng quy định pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ vấn đề nêu trên mà đã tuyên hủy Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 9/3/2016 của Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà là không đúng quy định pháp luật.
Quyết định 2425/QĐ-UBND thu hồi 43 m2 đất, Quyết định 2594/QĐUBND thu hồi 321 m2 đất và đã được UBND thành phố Đông Hà phê duyệt phương án bồi thường theo Quyết định 2426/QĐ-UBND và Quyết định 2594/ QĐ-UBND, bà Xuân không khiếu kiện việc bồi thường đối với các diện tích đất bị thu hồi theo các quyết định nêu trên. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm hủy các quyết định 2594 và 2595 cùng ngày 12/11/2015 của UBND thành phố Đông Hà là không có căn cứ.
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm khẳng định: Đối với vụ án này, cần tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Xuân đối với các Quyết định 2594 và 2595; chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Xuân, tuyên hủy một phần Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 9/3/2016 của Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà. Cụ thể hủy nội dung “Riêng phần diện tích 90 m2: Đề nghị gia đình bà Xuân liên hệ UBND phường Đông Lương để được giải quyết theo thẩm quyền” của Khoản 2, Điều 2, Quyết định số 333/QĐUBND, buộc UBND thành phố Đông Hà tiếp tục xem xét, quyết định việc bồi thường đối với diện tích 288 m2 đất thực tế đã bị thu hồi để thực hiện dự án cho gia đình bà Xuân theo đúng quy định pháp luật về đất đai.
Từ đó, quyết định kháng nghị đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2017/HC-ST ngày 18/5/2017 của TAND tỉnh Quảng Trị theo thủ tục giám đốc thẩm. Đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2017/HC-ST ngày 18/5/2017 của TAND tỉnh Quảng Trị; giao hồ sơ vụ án để TAND tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành Bản án hành chính sơ thẩm nêu trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=143493