Vốn đăng ký đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 114 triệu USD trong 8 tháng qua
Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa…
Ngày 12/9, tại Quảng Bình, Ủy ban hợp tác hai nước Việt Nam - Lào đã tổ chức Hội nghị giữa kỳ Triển khai hiệp định hợp tác song phương Việt Nam- Lào giai đoạn 2021-2025 và Thỏa thuận kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2023.
Hội nghị được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khăm-chên Vông-phô-sỷ - Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương hai nước.
Theo thông tin tại Hội nghị, tính đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào tổng cộng 241 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,47 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 2,7 tỷ USD.
Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, 7 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh với tổng vốn đăng ký đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 114 triệu USD, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2022. Nổi bật như Dự án thủy điện Nậm Sum 1 với vốn đăng ký là 83,6 triệu USD của Công ty cổ phần Điện lực Trung Sơn; Dự án Trồng trọt và chăn nuôi tại tỉnh Sê-kông của Công ty cổ phần cao nguyên xanh OFC với vốn đăng ký là 9,9 triệu USD.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, một số dự án đầu tư trọng điểm, quan trọng đã được cơ quan hữu quan của hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án như Dự án Thủy điện Xê-ca-man 3 (cả 2 tổ máy đã phát điện trở lại); Dự án Nông nghiệp của Tập đoàn Trường Hải (đã xử lý xong vướng mắc liên quan đến đường điện cao thế chạy qua).
Ngoài ra, Dự án Khai thác, chế biến khoáng sản Alumin của Tập đoàn Việt Phương (đã xử lý xong vấn đề chồng lấn diện tích tô nhượng và khởi công xây dựng nhà máy); Dự án Sân bay Nọng-khảng (đã bàn giao và đưa vào sử dụng cho Chính phủ Lào vào ngày 15/5/2023). Tiến độ xử lý vướng mắc liên quan đến Dự án Muối mỏ Ka-li của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đang có tiến triển tích cực.
Trong lĩnh vực giao thông, vận tải, xây dựng, hai bên đã phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm gồm Tuyến đường cao tốc nối Hà Nội-Viêng Chăn, Tuyến đường sắt Vũng Áng-Tân Ấp-Thà Kẹt-Viêng Chăn…
Cùng với đó hai bên tiếp tục thúc đẩy triển khai Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam-Lào về hợp tác đầu tư phát triển bến cảng 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng (ký ngày 5/2/2018); phía Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Lào xuất, nhập khẩu hàng hóa qua tất cả các cảng biển của Việt Nam.
Kết quả rất đáng ghi nhận trong hợp tác giữa hai nước trong 6 tháng đầu năm 2023 về lĩnh vực này là Dự án Xây dựng sân bay Nọng-khảng, tỉnh Hủa-phăn đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng ngày 15/5/2023.
Đáng chú ý, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, viện trợ không hoàn lại của Việt Nam dành cho Lào giai đoạn 2021-2025 là 3.600 tỷ đồng; trong 3 năm qua bình quân đã phân bổ khoảng 730 tỷ đồng/năm; đến nay 10 dự án đã hoàn thành. Các dự án tiêu biểu như Dự án Bệnh viện hữu nghị Xiêng-khoảng; Dự án nhà Quốc hội; Dự án Trường Trung học-Dạy nghề kiểu mẫu hữu nghị Lào-Việt tại huyện Nong Bốc.
Bên cạnh những thành tựu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng một số dự án trọng điểm, quan trọng còn chậm được triển khai, các khó khăn vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm; kim ngạch thương mại chững lại, khó đạt mục tiêu 10% trong năm 2023; công tác duy tu, bảo dưỡng các dự án đã hoàn thành chưa được quan tâm đúng mức.
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc về cơ chế chính sách (chưa đồng bộ, thiếu nhất quán), cơ sở hạ tầng còn yếu, chính sách ưu tiên trong lĩnh vực mũi nhọn còn chưa cụ thể…
Về định hướng hợp tác thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào giai đoạn tới như năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nhất là tại khu vực biên giới hai nước.
Bốn trọng tâm cần hướng tới là thúc đẩy các dự án quy mô lớn về năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản gắn với chế biến sâu; nghiên cứu phương án đầu tư 3 bên, mời các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản cùng tham gia vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và các dự án phát triển, kết nối hạ tầng.
Kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô lớn tại Lào; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, kinh nghiệm sang Lào đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, thu mua sản phẩm, chế biến tại chỗ và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hai bên cần tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn vướng mắc của các dự án hợp tác trọng điểm giữa hai nước; thúc đẩy các dự án đầu tư điện gió tại khu vực biên giới để bán điện về Việt Nam.
Về giao thông, hai nước đẩy nhanh việc kết nối giao thông; tiếp tục phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn, nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm gồm Tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, Tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 8 phía Lào…