VN-Index vững vàng trên đỉnh 3 năm, VIC 'cháy hàng' sau tin vui
Nhờ đóng góp lớn của bộ ba cổ phiếu nhóm Vingroup, VN-Index tiếp tục có phiên tăng điểm mạnh, vượt mốc 1.325 điểm.

Giao dịch nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phiên 7/3.
VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần (7/3) ở mốc 1.326,05 điểm, tăng gần 8 điểm so với kết phiên trước. Như vậy trong tuần giao dịch đầu tháng 3, chỉ số đã tăng gần 21 điểm (tăng 1,6% so với kết phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2). Với mức tăng này, VN-Index vững vàng ở vùng đỉnh 3 năm (cao nhất kể từ tháng 5/2022).
Chỉ số HNX-Index hôm nay cũng tăng 0,4 điểm còn UPCoM giảm 0,27 điểm. Thanh khoản có sụt giảm nhẹ so với những phiên trước, đạt hơn 21.000 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 4.200 tỷ đồng.
Sau phiên đảo chiều mua ròng hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài lại trở lại trạng thái bán ròng. Giá trị bán ròng đạt gần 150 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào bán FPT (104 tỷ đồng), MSN (82 tỷ đồng). Danh sách bán ròng còn có DGC 44 tỷ đồng; VNM, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, LPB, PLX, VHC trên 30 tỷ đồng; BID, DBC, KDH, SSI, KBC trên 20 tỷ đồng...
Chiều ngược lại, VIC được mua ròng mạnh nhất với giá trị 98 tỷ đồng, kế đến là HPG 91 tỷ đồng, MWG 70 tỷ đồng, TCH 60 tỷ đồng; CTG, VHM trên 40 tỷ đồng; VCB, VCI, DPM trên 30 tỷ đồng; DXG, DPR gần 30 tỷ đồng...
Không chỉ nhận được sự quan tâm của dòng tiền ngoại, VIC còn thu hút khối nội khi kết phiên ở mức giá trần 45.300 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 5/2024. Ở vùng giá này, vốn hóa của Vingroup vươn lên mức hơn 173.400 tỷ đồng, đứng thứ 8 trong Top 10 doanh nghiệp giá trị nhất sàn HoSE.
Hai cổ phiếu bluechip khác trong nhóm Vingroup là VHM và VRE cũng đóng góp đáng kể cho chiều tăng của chỉ số. VHM tăng 3,1% lên giá 44.950 đồng/cp, kéo vốn hóa Vinhomes lên hơn 184.600 tỷ đồng, đứng thứ 6 trong Top 10. Còn VRE của Vincom Retail tăng 2% lên giá 18.200 đồng/cp.
VIC “cháy hàng” trong bối cảnh Vingroup vừa nhận tin vui về việc niêm yết thành viên vận hành chuỗi nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Vinpearl. Ngày 7/3, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của công ty này, với số lượng 1,8 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ hơn 17.933 tỷ đồng.
Hiện Vingroup vẫn đang là cổ đông lớn nhất tại Vinpearl với tỷ lệ sở hữu 85,51% vốn điều lệ.
Không chỉ bộ ba cổ phiếu “họ Vingroup”, nhóm bất động sản hôm nay cũng rất hưng phấn vào phiên sáng, tuy nhiên giảm nhiệt dần vào phiên chiều. Một số mã ghi nhận mức tăng tốt khi đóng cửa là CEO +2,7%, TCH +2,6%, NLG +1,7%, PDR +1,5%, NVL +1,5%, HPX +2,6%, KHG +1,5%, DIG +1%... Chiều giảm có VPI, SZC giảm hơn 1%; KBC, HDC, IDC, BCM, IJC... giảm nhẹ.
Nhóm ngân hàng cũng có đóng góp tích cực cho sự đi lên của thị trường khi đa số các mã ở chiều tăng. Các mã tăng tốt là VCB +1,7%, MSB +3,5%, ABB +4%, CTG +1,8%, MBB +1,7%, HDB +1,5%, SSB +1%... Chiều giảm có EIB -2,5%, LPB và SGB giảm nhẹ.
Nhóm chứng khoán sau phiên sôi động hôm qua phải “nhường sân” cho các nhóm ngành khác. Đa số các mã giảm giá hoặc đứng tham chiếu. Các mã giảm đáng kể là EVS -3%, PSI -3,5%, ORS -1,7%, CTS -1,4%, HBS -1,4%. VND, HCM giảm nhẹ; SSI, VIX đứng tham chiếu. Ngược chiều có VCI +1,2%, SHS tăng nhẹ; cùng một số mã nhỏ như VUA tăng trần, HAC +4,4%, BMS +3,5%, AAS +2,2%...
Tại các nhóm ngành khác, các cổ phiếu chủ yếu biến động trong biên độ hẹp. Tiêu cực nhất vẫn là nhóm cổ phiếu Bamboo Capital, với BCG -5,1%, BCR -3%, TCD -4%, BGE -4,3%. BCG hôm nay vẫn khớp lệnh lớn, với tổng gần 36 triệu đơn vị đã được trao tay. Phiên trước, cổ phiếu của Bamboo Capital khớp lệnh kỷ lục tới gần 95 triệu đơn vị.