VN-Index tái cân bằng sau quãng sụt bất ngờ?

Việc quan sát phản ứng của chỉ số VN-Index nói riêng và của thị trường chứng khoán nói chung trong các phiên sau quãng sụt giảm là hết sức quan trọng.

Sau khi vượt 1.300 điểm, VN-Index gây bất ngờ khi sụt giảm 2 phiên liên tiếp, đưa chỉ số về dưới 1.275 điểm. Riêng phiên 14/6, VN-Index giảm hơn 21 điểm, tương đương 1,66%. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 17/4 (giảm 1,86%), tức là gần 2 tháng trước.

Sự sụt giảm này khiến nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn về khả năng chỉ số VN-Index đã tạo đỉnh và bắt đầu đi xuống, một số ý kiến khác cũng không mấy lạc quan về triển vọng ngắn hạn của VN-Index dù vẫn cho rằng trong trung và dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn sẽ diễn biến tích cực với sự hỗ trợ từ đà hồi phục của nền kinh tế và các trụ cột vĩ mô nhìn chung vẫn được kiểm soát ở mức ổn định dù đôi lúc không tránh khỏi phải đối mặt với khó khăn.

Phe tích cực thì cho rằng nhịp điều chỉnh của VN-Index vừa qua là bình thường và chưa đáng lo. Trong quá trình đi lên, nhà đầu tư sẽ phải làm quen với việc VN-Index sụt giảm tương đối mạnh, rồi tái cân bằng và rồi vượt đỉnh. Quá trình này diễn ra cho đến khi… hầu hết nhà đầu tư tin rằng nhịp điều chỉnh tiếp theo của VN-Index cũng sẽ chỉ “thoáng qua” và chỉ số sẽ tiếp tục tái cân bằng rồi vượt đỉnh.

Dù cho có nhiều ý kiến, nhiều kịch bản được đưa ra nhưng thực tế chỉ có một khả năng xảy ra và việc quan sát phản ứng của chỉ số VN-Index nói riêng và của thị trường chứng khoán nói chung trong các phiên sau quãng sụt giảm là hết sức quan trọng.

Trong phiên 18/6, VN-Index mở phiên trong sắc xanh và càng ngày càng diễn biến tích cực, có lúc tăng trên 11 điểm. Tuy nhiên, từ sau 14h, VN-Index bắt đầu suy yếu nhưng vẫn kết phiên với mức tăng gần 5 điểm, lên 1.279,5 điểm. Dẫu sao, đây vẫn là một tín hiệu khả quan.

Phiên này có một số điểm đáng chú ý. Thứ nhất là thị trường tiếp tục diễn biến theo xu hướng phân hóa mạnh. Nhiều nhóm ngành, cổ phiếu tiếp tục xu hướng đi lên. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu tài chính (bao gồm ngân hàng và tài chính) tiếp tục diễn biến ảm đạm. Một trụ cột khác là bất động sản cũng tỏ ra khá yếu ớt, nhất là các cổ phiếu bất động sản dân cư, sau khi ngành này trải qua một quý có lợi nhuận kém khả quan nhất trong vòng 5 năm qua.

Điều này được lột tả rõ nét nếu nhìn vào top 9 cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index trong phiên 18/6: Không có sự xuất hiện của bất cứ cổ phiếu ngân hàng và bất động sản dân cư nào, dù rằng đây là 2 trụ cột của sàn HoSE và có vốn hóa rất lớn, nhiều mã chỉ cần tăng chưa tới 1% đã dễ dàng lọt vào top 9 cổ phiếu tác động tích cực.

Cụ thể, 9 cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index trong phiên 18/6 gồm: DGC, HVN, GVR, POW, PLX, GAS, PGV, REE, BVH. Trong đó, DGC và POW tăng kịch trần.

Điểm đáng chú ý thứ hai trong phiên là sự phục hồi tương đối mạnh của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi cổ phiếu vốn hóa lớn tỏ ra khá yếu ớt. Bằng chứng là chỉ số VN30-Index chỉ tăng vỏn vẹn 0,01% trong khi VNMID-Index và VNSML-Index lần lượt phục hồi 0,42% và 0,83%.

Trong bối cảnh phân hóa như vậy, để VN-Index tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới, cần phải có sự nhập cuộc của các cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản để đà đi lên của thị trường vững chắc hơn. Bởi nếu thiếu vắng đi vai trò của các trụ cột, khả năng suy yếu của toàn thị trường sẽ cao hơn và khi mà thị trường chung đã suy giảm, rất hiếm cổ phiếu đi ngược lại xu hướng, kể cả những cổ phiếu đang được đánh giá rất tích cực.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vn-index-tai-can-bang-sau-quang-sut-bat-ngo-d112222.html