VN-Index lập đỉnh mới, đà tăng trông cậy vào kết quả đàm phán thuế quan và kết quả kinh doanh quý II

Mặc dù chịu áp lực chốt lời trong phiên đầu tuần, nhưng thị trường chứng khoán trong nước tuần qua (23-27/6) vẫn duy trì đà tăng tốt. Chỉ số VN-Index chính thức lập đỉnh mới và đóng cửa trên mốc 1.370 điểm. Thanh khoản cải thiện nhẹ, trong bối cảnh khối ngoại giao dịch khá cân bằng.

Thị trường chứng khoán tuần mới: Tích lũy vẫn duy trì, tâm lý chờ tin đàm phán thuế lấn lướt

Thị trường chứng khoán tuần mới: Tích lũy vẫn duy trì, tâm lý chờ tin đàm phán thuế lấn lướt

Thị trường có thể gặp áp lực chốt lời trong tuần tới, nhưng khả năng tăng ngắn hạn vẫn đang duy trì. đang trông cậy vào việc dòng tiền sẽ luôn phiên đón kết quả kinh doanh quý II; đồng thời kỳ vọng về một kết quả tốt đẹp đàm phán thuế quan, đưa VN-Index tiến tới vùng kháng cự cao hơn.

VN-Index lập đỉnh, củng cố xu hướng tăng điểm

Thị trường chứng khoán toàn cầu có một tuần giao dịch khởi sắc. Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ tiến sát đỉnh khi thuế quan, xung đột địa địa chính trị tạm lắng xuống. Chỉ số Nasdaq đã lập đỉnh mới kỷ lục, S&P tiến sát mức đỉnh cũ, cụ thể: S&P 500 tăng 3,4%, Nasdaq tăng 4,2%, và Dow Jones tăng 3,8% …

Tại châu Âu, Stoxx 600 tăng 1,1%, DAX (Đức) tăng 0,7%, CAC 40 (Pháp) tăng 1,4%, còn FTSE 100 (Anh) tăng 0,6% .... Tâm lý nhà đầu tư cải thiện rõ rệt nhờ tín hiệu hạ nhiệt lạm phát toàn cầu và triển vọng kinh tế mềm hạ.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng có một tuần diễn biến khởi sắc không kém. Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 2,3%, lần đầu vượt mốc 40.000 điểm kể từ đầu năm. KOSPI (Hàn Quốc) tăng 1,7%, tiếp nối đà +0,8% tuần trước. Hang Seng (Hồng Kông) tăng 1,1% sau khi chỉ nhích 0,2% ở tuần liền trước. Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,9%, cải thiện so với mức đi ngang trước đó. Sensex (Ấn Độ) hồi phục 1,2% sau khi giảm mạnh 1,5% tuần trước.

Ở trong nước, sau tuần giao dịch tích cực, vượt vùng giá đỉnh tháng 3, 5/2025, thị trường tiếp tục có tuần giao dịch khá nổi bật. Dù rung lắc trong phiên đầu tuần, nhưng chỉ số VN-Index bước tiếp nỗ lực phục hồi và vượt mốc 1.370 điểm khi đóng cửa phiên cuối tuần. Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa mức đỉnh 1.371,44 điểm, tăng 1,64% so với tuần trước, hướng đến vùng kháng cự 1.380 - 1.400 điểm.

Trong khi đó, chỉ số VN30 tăng tốt hơn với mức tăng 2,84% lên mức 1.475,89 điểm, hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.480 - 1.500 điểm.

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có diễn biến tích cực. Trong đó, chỉ số HNX-Index có tuần tăng +0,74 điểm, kết tuần tại 227,81 điểm, tương ứng mức tăng +0,33% so với tuần trước. Còn chỉ số UPCoM-Index tăng +1,44 điểm để đóng cửa tại 100,62 điểm.

Độ rộng thị trường khá tích cực, luân chuyển phục hồi giữa các nhóm ngành, với 12/18 ngành tăng điểm. Nổi bật ở các mã, nhóm mã giá chưa phục hồi nhiều sau giai đoạn giảm mạnh với kỳ vọng mức thuế đối ứng giảm sau đàm phán và kết quả kinh doanh quý II tích cực, như bán lẻ, khu công nghiệp, thủy sản, xây dựng, công nghệ, bất độngsản.... Trong khi chịu áp lực điều chỉnh mạnh ở nhóm dầu khí khi giá dầu giảm mạnh sau thỏa thuận ngừng bắn ở Trung Đông.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu VIC và MSN đã thay thế nhóm ngân hàng thúc đẩy VN-Index vượt đỉnh ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu này đóng góp 80% trong số 22 điểm tăng trong tuần.

Thanh khoản thị trường chứng khoán trong tuần cũng cải thiện so với tuần trước, mặc dù mức tăng không lớn. Thống kê cho thấy, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường tuần qua đạt 23.895 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 4,2% so với tuần trước. Giá trị giao dịch tăng tốt trên HOSE và HNX khi lần lượt tăng +3,7% và +14,8%, song giảm nhẹ trên UPCoM với -2,4%.

Dòng tiền vẫn luân chuyển tích cực tại các cổ phiếu lớn tạo nền và mở ra cơ hội giao dịch các ngành và cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II tích cực.
Khối ngoại giao dịch khá cân bằng trên thị trường tuần qua. Khối này có bán ròng trong tuần trên toàn thị trường nhưng giá trị không quá lớn, khoảng 368 tỷ đồng. Khối này bán ròng nhẹ 42 tỷ đồng trên HOSE, trong khi đó, khối này bán ròng trên HNX và UPCoM lần lượt là 268 và 58 tỷ đồng. Tính lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đang bán ròng 44.040 tỷ đồng.

Thống kê trong tuần, ba mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là VND +393 tỷ đồng, SSI +368 tỷ đồng và HPG +298 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, STB -212 tỷ đồng, FPT -184 tỷ đồng và VCB -179 tỷ đồng là 3 mã cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất.

Quan sát dấu chỉ của dòng tiền

Nhìn một cách tổng thể, thị trường đang cho thấy nỗ lực tăng khá tốt, khi VN-Index đã đóng của trên mốc 1.370 điểm khi đóng cửa cuối tuần. Điều còn do dự là thanh khoản chưa bùng tăng tương ứng. Thậm chí, thanh khoản còn có dấu hiệu suy giảm trong phiên tăng cuối tuần – điều này cho thấy dòng tiền còn thận trọng, chưa có sự nhập cuộc của dòng tiền mới.

So với tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6, khi VN-Index ở vùng 1.350 điểm, thanh khoản thị trường đều đạt trên ngưỡng 25.500 tỷ đồng nhưng 3 tuần gần đây thanh khoản chưa tới 23.000 tỷ đồng. Tuần vưa qua, mức tăng chủ yếu của thị trường chủ yếu tập trung ở 2 phiên đầu tuần, sau đó thị trường dao động trong biên độ hẹp và thanh khoản cũng giảm từ ngưỡng 26.600 tỷ đồng về còn 22.000 tỷ đồng ở 3 phiên cuối tuần. Mức giảm thanh khoản thị trường cũng thể hiện ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt như Vingroup, dòng tiền ròng đã có dấu hiệu giảm 5 tuần liên tiếp, bên cạnh đó mức tập trung vốn cũng giảm từ tỷ trọng 8% toàn thị trường về còn 5,1% ở tuần vừa qua.

Xét về mặt kỹ thuật, xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index đang duy trì xu hướng tăng trưởng trên vùng hỗ trợ 1.350 điểm - vùng giá cao nhất tháng 5/2025. VN-Index vượt lên vùng kháng cự quanh 1.350 điểm, tiếp tục hướng đến vùng giá 1.380 điểm và vùng giá mục tiêu 1.400 điểm - 1.420 điểm.

Hiện của Quốc hội đã bế mạc, hàng loạt dự án luật quan trọng và chính sách vĩ mô đã được thông qua, trong đó có cả vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán. Do đó, tâm lý đợi chờ chính sách về cơ bản đã rõ ràng. Hiện VN-Index đang ở vùng đỉnh, do đó áp lực điều chỉnh tuần này sẽ khá lớn, nhất là trong bối cảnh các quỹ chốt giá trị ròng (NAV) quý II sẽ diễn ra trong đầu tuần. Do đó, nhiều khả năng sẽ có rung lắc khi tâm lý quan sát có thể xảy ra.

Tuy vậy, ở góc độ tích cực, thị trường cũng đang cho thấy khá nhiều thông tin tích cực có thể tạo ra kỳ vọng tâm lý cho nhà đầu tư. Tuần mới, nhà đầu tư có thể sẽ đặt kỳ vọng vào một kết quả tích cực về đàm phán thuế quan; tuy nhiên, cũng cần lưu ý là mọi việc phải thực tế mới cho câu trả lời chính xác cuối cùng. Thị trường cũng đang bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II và bán niên. Nhiều dự báo cho thấy xu hướng tăng trưởng lợi nhuận được duy trì, tuy nhiên, dòng tiền sẽ có sự phân hóa và luân chuyển tìm các mã, ngành tích cực. Việc quan sát dòng tiền là điều quan trọng trong việc ra quyết định đầu tư giai đoạn này.

BẢO MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vn-index-lap-dinh-moi-da-tang-trong-cay-vao-ket-qua-dam-phan-thue-quan-va-ket-qua-kinh-doanh-quy-ii-post890586.html