Vinh quang người thầy thuốc
Có một nghề thật vẻ vang, được Đảng, Nhà nước giao phó việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho Nhân dân… Đó chính là nghề thầy thuốc. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu”, vượt qua nhiều khó khăn, đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên ngành Y tế trong tỉnh luôn nỗ lực hết mình, nêu cao tinh thần trách nhiệm với người bệnh, chạy đua cùng thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Một ca lấy máu cuống rốn tại Bệnh viện Sản- Nhi Hưng Yên
Có mặt tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Phố Nối) trong một buổi chiều cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chứng kiến sự khẩn trương của kíp trực để cấp cứu một bệnh nhân suy hô hấp nặng mới thấy sự nhiệt huyết, trách nhiệm và chuyên nghiệp của các y, bác sĩ. Mỗi người đều khẩn trương chuẩn bị máy móc, thuốc, thao tác các phần việc nhịp nhàng, nhanh chóng. Sau 30 phút, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Lê Tiến Liệu cho biết: Đây là trường hợp suy hô hấp nặng, nếu không sẵn sàng các điều kiện cấp cứu thì nguy cơ tử vong cao. Với đặc thù của Khoa Cấp cứu, chúng tôi thường xuyên phải làm việc trong trạng thái như vậy, vì vậy việc chuẩn bị các điều kiện lúc nào cũng phải chu đáo, đầy đủ, chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân.
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe bao gồm sự lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Thế nên, Bác đã đề ra một nhiệm vụ vừa cụ thể vừa toàn diện cho người thầy thuốc: "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu." Thấm nhuần lời dạy đó, các điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh là người gần gũi, thường xuyên bên người bệnh, luôn xem người bệnh như người thân, người nhà của chính mình, từ đó làm cho người bệnh an tâm, tin tưởng hơn trong quá trình điều trị. Ngoài thực hiện đúng, đủ các y lệnh, các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc người bệnh là sự thấu hiểu nỗi đau, nỗi sợ hãi, lo lắng từ bệnh tật; sự cảm thông về hoàn cảnh hay lắng nghe tâm tư, tình cảm của người bệnh, từ đó tự mình rèn giũa đức tính kiên nhẫn, cần cù, chịu áp lực công việc, biết yêu thương, lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ người bệnh.
Y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Những năm qua, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên đã triển khai các kỹ thuật cao mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình như thụ tinh trong ống nghiệm, lấy máu cuống rốn, chăm sóc trẻ sơ sinh cực non tháng, nhẹ cân. Mới đây, bệnh viện phối hợp với Tổ chức Newborns Vietnam tổ chức lớp thực hành mô phỏng hồi sức sơ sinh tại phòng sinh cho các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh của bệnh viện. Bác sĩ Đào Kim Ánh, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: Hồi sức sơ sinh là một trong những quy trình quan trọng nhất trong y học sơ sinh - chu sinh, đòi hỏi kỹ năng cá nhân và hiệu suất làm việc nhóm cao. Bệnh viện luôn quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chỉ đạo tuyến nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao chất lượng chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Thông qua lớp học, học viên không chỉ được học lý thuyết mà còn được hướng dẫn thực hiện các kỹ thuật trên mô hình, nâng cao năng lực thực hành với các tình huống mô phỏng từ các giảng viên là bác sĩ, nữ hộ sinh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức sơ sinh đến từ các bệnh viện Anh quốc thuộc Tổ chức Newborns.
Nghề thầy thuốc là một nghề nguy hiểm bởi những nguy cơ tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập. Nhưng vượt lên trên những gian lao ấy là tấm lòng của những người thầy thuốc hết lòng với người bệnh. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hưng Yên, bệnh nhân là người nghiện ma túy, bệnh nhân HIV/AIDS, nguy cơ phơi nhiễm cao, nhiều bác sĩ còn bị bệnh nhân đe dọa. Song, đội ngũ thầy thuốc ở đây luôn mở lòng đón nhận những hoàn cảnh bất hạnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, những bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân nghiện ma túy gần như gắn bó cả cuộc đời ở bệnh viện, nhiều bệnh nhân coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai. Có nhiều bệnh nhân mặc cảm, mang nỗi niềm riêng tư, vì vậy người thầy thuốc phải thấu hiểu, động viên để bệnh nhân chia sẻ, hợp tác điều trị.
Với thực tế mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại; các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương tích có chiều hướng gia tăng; các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường... đang đặt ra những vấn đề mới, thách thức mới, đòi hỏi ngành y tế nâng cao hơn nữa trách nhiệm, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là dịp bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc với sứ mệnh cao quý của mình đã hết lòng vì sự sống của người bệnh, vì hạnh phúc của Nhân dân. Càng tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn mà ngành Y tế tỉnh đã đạt được, đội ngũ thầy thuốc đang hằng ngày nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục xây dựng ngành Y tế ngày càng vững mạnh, đáp ứng cao hơn, tốt hơn nữa nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202302/vinh-quang-nguoi-thay-thuoc-0b215aa/