Vĩnh Long: 6 tháng đầu năm 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy, chính quyền các cấp luôn giữ vững đoàn kết thống nhất, chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đi vào trọng tâm; 6 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Long đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục phát triển
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 18.934 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư phát triển 8.072 tỷ đồng, đạt 46,1% kế hoạch, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Triển khai thực hiện quyết liệt ba khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh về: phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung đào tạo nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch, nhất là phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch. Điểm nổi bật là, xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, gắn với cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, chế biến xuất khẩu.
Các chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu đạt khá so kế hoạch đề ra. Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; chú trọng liên kết, phát triển các mô hình sản xuất sản phẩm sạch, tiêu chuẩn GAP. Tiếp tục chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi tập trung. Kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng, tỉnh công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn NTM (Phú Quới - Long Hồ, Tân Long Hội - Mang Thít, Vĩnh Xuân - Trà Ôn) và 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Hòa Ninh - Long Hồ, Tân An Thạnh - Bình Tân, Thiện Mỹ - Trà Ôn), lũy kế toàn tỉnh có 72/87 xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó có 27 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; có 2 đơn vị cấp huyện (thị xã Bình Minh, huyện Bình Tân) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng huyện. Triển khai lập quy hoạch bảo tồn lò gạch, gốm Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh có nhiều chuyển biến tích cực
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng đầu tư phát triển. Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện; đã triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với nước, chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực quân sự quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn cho các sự kiện chính trị của tỉnh. Chủ động mở đợt cao điểm tấn công, truy quét các loại tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông; tích cực đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát nghị quyết, kết luận của Trung ương và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ cụ thể hóa các nghị quyết, đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án trên các lĩnh vực; chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh ủy; sơ kết chuyên đề 2022 và triển khai chuyên đề năm 2023 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Long trong thời kỳ mới theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt coi trọng. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy tiếp tục đổi mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn; sự phối hợp giữa UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Công tác quy hoạch, bổ sung quy hoạch cán bộ quản lý các cấp được chú trọng và gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, chuẩn bị nguồn cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, bức xúc về lĩnh vực đất đai, kiểm soát tài sản, công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Công tác dân vận, tôn giáo, dân tộc được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả tích cực.