Vinh danh 'Bếp vàng' cho 5 đầu bếp cống hiến trên 20 năm tuổi nghề tại Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 9/4, tại thành phố Cần Thơ, Liên Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã long trọng tổ chức Đại hội Liên Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL nhiệm kỳ III (2024-2029) với chủ đề 'Quảng bá - Giao lưu - Phát triển'. Đại hội đã bầu Ban chấp hành mới với 25 thành viên, ông Nguyễn Lộc được tái bầu Chủ tịch Liên Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL nhiệm kỳ III (2024-2029), đồng thời tại Đại hội lần này, Viện Kỷ lục Việt Nam đã vinh danh 'Bếp vàng' cho 5 đầu bếp tại ĐBSCL với hành trình hơn 20 năm cống hiến, có những đóng góp tích cực để góp phần quảng bá các giá trị kỷ lục ẩm thực tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Đai hội, ông Lâm Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, kiêm Phó Chủ tịch Liên Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL cho biết, nhiệm kỳ II (2021-2024): Liên Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL đã trở thành Hội Đầu bếp hoạt động hiệu quả, có chiều sâu, có đội ngũ hội viên đủ mạnh, đẳng cấp để có thể tham gia và tổ chức các hoạt động quảng bá ẩm thực trên cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Thông qua chuỗi Hội thi “Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL” hàng năm; “Lễ hội công diễn và xác lập món ngon 13 tỉnh thành ĐBSCL nhiều nhất Việt Nam” năm 2022; “Lễ hội công diễn các món bánh làm từ gạo và nếp nhiều nhất Việt Nam - 200 món” năm 2023.
Trong nhiệm kỳ III (2024-2029), Liên Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL sẽ tập trung triển khai các chương trình: “Âm vang ẩm thực vùng miền” tại Cần Thơ. Đây là chương trình giao lưu và công diễn món ngon giữa Liên Chi hội Đầu bếp ĐBSCL, Sài Gòn, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Kiên Giang, Hà Nội… Quảng bá ẩm thực ĐBSCL đến du khách trong và ngoài nước, qua đó hình thành và định vị thương hiệu ẩm thực ĐBSCL trên cả nước và quốc tế. Giao lưu kết nghĩa với các Hội Đầu bếp trên cả nước, mục tiêu trong giai đoạn 2024-2029, Liên Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL phấn đấu trở thành top 3 Hội đầu bếp chuyên nghiệp mạnh trên cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp tại khu vực ĐBSCL nhằm đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thời kỳ 4.0. Tổ chức “Lễ hội công diễn và chế biến các món ăn làm từ gạo ST25 nhiều nhất Việt Nam - 200 món” với chủ đề “Tây Đô-Nơi hội tụ ẩm thực ĐBSCL”; Tổ chức các Hội thi “Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL”; “Đầu bếp trẻ”; “Đầu bếp tài năng” và các hoạt động hỗ trợ địa phương liên quan đến ẩm thực…
Đại hội đã bầu Ban Chấp mới Liên Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL nhiệm kỳ III (2024-2029) với 25 thành viên, ông Nguyễn Lộc - Chủ tịch Liên Chi hội Đầu bếp ĐBSCL nhiệm kỳ II được tái bầu Chủ tịch nhiệm kỳ III (2024-2029).
Liên Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL nhiệm kỳ III (2024-2029) đã đề ra 5 chương trình hành động. Đó là: Phát triển và nâng cao giá trị của nghề đầu bếp chuyên nghiệp, tạo nhiều món ăn có giá trị dinh dưỡng cao mang yếu tố đặc trưng vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu du khách, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh; Tập hợp các hội viên nhằm phấn đấu quảng bá, phát triển nghệ thuật chế biến món ăn Việt Nam hiện đại, có đẳng cấp cao để giới thiệu và gìn giữ bản sắc dân tộc; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng tay nghề để từ đó góp phần nâng cao chất lượng nghề bếp, nghề pha chế tại khu vực ĐBSCL; Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, qua đó góp phần nâng cao nhận thức xã hội về nghề bếp, nghề pha chế.
Tại Đại hội, Liên Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL đã tổ chức tri ân và vinh danh các đầu bếp đã có nhiều đóng góp phát triển nghề bếp, ẩm thực ĐBSCL, đặc biệt Viện Kỷ lục Việt Nam đã vinh danh “Bếp vàng” cho 5 đầu bếp đã có hơn 20 năm tuổi nghề.