Vietcombank, VietinBank và BIDV đồng loạt báo lãi
Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về lợi nhuận với mức tăng trưởng 39% lợi nhuận trước thuế riêng lẻ so với năm 2021, ước tính gần 38.000 tỷ đồng.
Cả ba ngân hàng lớn đang niêm yết là Vietcombank, VietinBank và BIDV đã công bố kết quả tài chính năm 2022 trong tuần qua. Trong đó, Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về lợi nhuận với mức tăng trưởng 39% lợi nhuận trước thuế riêng lẻ so với năm 2021. Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận riêng lẻ trước thuế của ngân hàng đạt 27.388 tỷ đồng, ước tính năm 2022 là gần 38.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong năm 2022, huy động vốn (HĐV) thị trường I đạt gần 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021. Tỷ trọng HĐV không kỳ hạn bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021; HĐV bán buôn tăng trưởng 10,4%; HĐV bán lẻ tăng trưởng ở mức 8,0% so với năm 2021.
Quy mô tín dụng của Vietcombank vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được NHNN giao.
Ngân hàng đã kiểm soát tốt chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,29%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (~465%).
Các chỉ tiêu doanh số khác tăng trưởng ấn tượng như doanh số TTQT-TTTM đạt ~135 tỷ USD, tăng 31,8% so với 2021; doanh số mua bán ngoại tệ đạt ~73 tỷ USD, tăng 20,4% so với 2021; các chỉ tiêu doanh số thẻ, bảo hiểm, phát triển khách hàng bán buôn-bán lẻ đều đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng từ mức 37% đến 100%.
Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh của Vietcombank tiếp tục tăng trưởng bền vững và năng lực tài chính được củng cố.Cụ thể, thu nhập ngoài lãi tăng 9,2% so với năm 2021; thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng 31,7% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021; NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%.
Vietcombank tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất trên TTCKVN, lọt vào Top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường năm 2022 theo Reuters.
Với BIDV, đến hết 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021. BIDV là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động của BIDV đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm. BIDV hiện đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng (chiếm khoảng 12,5%).
Ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,9% và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu) của BIDV đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây.
Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng. Các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu an toàn hoạt động như ROA đạt 0,95%; ROE đạt 20,2%, hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,76%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 41/2016/ TT-NHNN.
Trong khi đó, VietinBank công bố hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2022 với con số ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng. Trong quý 4/2022, VietinBank đã được phê duyệt giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2021 để tăng vốn, tạo điều kiện để nâng cao nguồn lực tài chính để phát triển hoạt động kinh doanh bền vững.