Viết tiếp trang sử mới trên con đường Hồ Chí Minh

Hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trong thời chiến, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục sứ mệnh vẻ vang trong thời bình, tác động tích cực và hiệu quả đến sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, làm khởi sắc những vùng quê nơi con đường đi qua.

Đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Đakrông đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương - Ảnh: M.Đ

Đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Đakrông đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương - Ảnh: M.Đ

Giờ đây, khi đặt chân đến Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, mảnh đất có địa danh Khe Hó - là nơi năm xưa được chọn làm điểm khởi đầu cho tuyến đường mòn lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, vũ khí cũng như đưa đón cán bộ, chiến sĩ, chuyển công văn, tài liệu từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam và ngược lại, ai nấy đều cảm nhận được sự đổi thay tích cực.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà Nguyễn Văn Thao cho biết, Vĩnh Hà hôm nay đang khoác lên mình tấm áo mới với nhiều thành tựu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân... Hiện toàn xã có hơn 800 ha cây cao su, trong đó, có hơn 780 ha đã cho khai thác, sản lượng ước đạt khoảng 3.307 tấn; có hơn 993 ha rừng trồng, đã đưa vào khai thác khoảng 173 ha.

Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển khá mạnh. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; có khoảng 80% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 5/5 thôn bản đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao với thu nhập bình quân đầu người đạt 48,8 triệu đồng/năm.

Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3532/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng di tích lịch sử Khe Hó là di tích cấp quốc gia. Điều này đã tạo thêm một địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc đối với thế hệ trẻ. Thời gian qua, xã Vĩnh Hà luôn quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích lịch sử Khe Hó; đồng thời phối hợp với các cấp liên quan trong việc xây dựng Khe Hó thành điểm du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội.

Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Quảng Trị có chiều dài khoảng 183 km, trong đó, nhánh Đông dài 44 km đi qua 3 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ; nhánh Tây dài 139 km đi qua 2 huyện: Đakrông và Hướng Hóa. Theo ghi nhận của phóng viên, các xã thuộc huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ có đường Hồ Chí Minh đi qua đều khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại dịch vụ, du lịch và nông nghiệp theo hướng hiện đại với cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu...

Một số địa phương có bứt phá trên hành trình phát triển, nhất là thực hiện thành công xây dựng đô thị văn minh như thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh), thị trấn Cam Lộ (Cam Lộ) và xây dựng nông thôn mới như Gio Sơn, Hải Thái (Gio Linh), Cam Tuyền (Cam Lộ)...

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan Võ Văn Quyền cho hay, tháng 4/2024, thị trấn Bến Quan được Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh công nhận thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2023. Đây là thành quả lớn cho sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thị trấn. Từ thực hiện xây dựng đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ của địa phương, thị trấn Bến Quan đã có nhiều khởi sắc.

Nổi bật là tổng thu nhập toàn xã hội trên địa bàn thị trấn đạt 273 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 66 triệu đồng/năm..., từ đó người dân có điều kiện hưởng thụ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần.

Từ khi có đường Hồ Chí Minh đi qua, người dân dọc con đường này có điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ, trao đổi và mua bán sản phẩm nông nghiệp.

Anh Hồ Văn Sanh, ở thôn Bến Hà, xã Linh Trường, huyện Gio Linh phấn khởi nói: Gia đình tôi đã đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp với hơn 1,5 ha cao su, 1 ha tràm và chăn nuôi gia súc, gia cầm với thu nhập bình quân hằng năm trên 70 triệu đồng. Nhờ đường sá thuận lợi, sản phẩm nông nghiệp của gia đình được tiêu thụ ổn định hơn. Tôi và bà con Vân Kiều rất vui vì đường Hồ Chí Minh hiện hữu đã mở ra nhiều cơ hội để người dân giao lưu, buôn bán phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu cho biết: Đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Đakrông có chiều dài hơn 64 km. Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, làm mới đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và sự phát triển của các địa phương.

Huyện luôn quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ người dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi; bảo tồn các lễ hội, nhạc cụ, điệu hát truyền thống để vừa làm phong phú đời sống tinh thần vừa phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; đầu tư hệ thống trường, lớp và cơ sở y tế phục vụ khám chữa bệnh; đầu tư hệ thống điện chiếu sáng cho 100% hộ dân...

Một bộ phận người dân đã có sự thay đổi nhận thức qua việc chủ động phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tham gia các mô hình bảo vệ an ninh trật tự; tích cực sản xuất và quảng bá các sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát cũng như ẩm thực truyền thống...

Thời gian tới, huyện sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm tiêu biểu; đồng thời đẩy mạnh giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền văn hóa, con người Đakrông tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...

Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/viet-tiep-trang-su-moi-tren-con-duong-ho-chi-minh-185595.htm