Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền: Vượt qua một trong những cuộc bầu cử cạnh tranh nhất của Liên hợp quốc, khoảnh khắc xúc động và tự hào!
Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ). Theo dõi tin từ Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (2014-2018) vô cùng vui mừng, xúc động và tự hào!
Là nhà ngoại giao có nhiều gắn bó với ngoại giao đa phương, cũng là Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ trong nhiệm kỳ đầu Việt Nam là thành viên HĐNQ (2014-2016), Đại sứ có thể chia sẻ cảm nhận của cá nhân trước tin vui mới nhất về ngoại giao đa phương của đất nước? Lúc này, điều Đại sứ nghĩ đến đầu tiên là gì?
Tôi rất vui mừng, xúc động và tự hào. Chúc mừng Việt Nam! Chúc mừng các nhà ngoại giao Việt Nam! Bầu thành viên HĐNQ là một trong những cuộc bầu cử khó khăn nhất, cạnh tranh gay gắt nhất tại LHQ. Lần thứ hai được bầu vào HĐNQ - cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình quốc tế rất phức tạp hiện nay, là vinh dự lớn đối với đất nước ta.
Đây là sự khẳng định của quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, đối với chính sách nhất quán của Việt Nam “lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”, “bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển” và tin ở năng lực của Việt Nam đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên thế giới, một trong ba trụ cột chính của LHQ.
Đây là một thành công mới, một kết quả rất đỗi tự hào của ngoại giao Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Đại sứ từng chia sẻ rằng tại LHQ, mặc dù Việt Nam không phải là một nước lớn, tiềm lực kinh tế chưa mạnh như nhiều nước khác, vậy nhưng Việt Nam vẫn luôn được đánh giá cao, được lắng nghe và tin cậy. Vì sao có được điều đó, thưa Đại sứ?
Trước hết, đó là uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam. Việt Nam được nhìn nhận rộng rãi như một tấm gương về đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; một câu chuyện thành công về khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng, phát triển đất nước, và hội nhập quốc tế; một đất nước hòa bình, ổn định, phát triển năng động, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ nói chung, tham gia tích cực vào các cơ chế của LHQ, trong đó có HĐNQ LHQ, đóng góp tích cực vào các hoạt động của LHQ trên cả ba trụ cột hòa bình - an ninh, phát triển và quyền con người. Việt Nam luôn có cách tiếp cận tổng thể, cân bằng, xây dựng, khách quan, chú trọng đối thoại và hợp tác.
Trong khi thúc đẩy, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, Việt Nam luôn tôn trọng và quan tâm đến lợi ích của các quốc gia khác và thúc đẩy quan tâm, lợi ích chung của nhân loại, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nước trong phạm vi khả năng của mình.
Điều này thể hiện rất rõ qua kết quả Việt Nam đảm nhiệm thành công 2 nhiệm kỳ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ 2008-2009 và 2020-2021 cũng như lần đầu tiên làm thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.
Theo Đại sứ, bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay đặt ra những thách thức như thế nào trong việc đảm bảo quyền con người?
Bối cảnh quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo đảm quyền con người. Đối đầu, các biện pháp bao vây, cấm vận, bạo lực và xung đột vũ trang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh, phát triển và cuộc sống của người dân ở nhiều nơi trên thế giới.
Tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế suy thoái, giá năng lượng, lương thực, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống khác đang làm gia tăng chia rẽ và bất bình đẳng, xóa bỏ thành tựu phát triển của thế giới nhiều năm qua, đẩy lùi nỗ lực hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của LHQ.
Những diễn biến phức tạp của tình hình làm sâu sắc thêm sự khác biệt về quan điểm, cách tiếp cận giữa các nước và các nhóm nước, đòi hỏi các thành viên HĐNQ nỗ lực tăng cường đối thoại và hợp tác, trong khi thúc đẩy các giá trị phổ quát cần tôn trọng sự khác biệt, tránh áp đặt, tiêu chuẩn kép và chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ, phấn đấu vì mục tiêu chung là xây dựng một thế giới hòa bình, nơi mọi người dân có cuộc sống phồn vinh và hạnh phúc.
Thưa Đại sứ, mục tiêu cao cả của LHQ hay HĐNQ là làm cho cuộc sống của mỗi người dân ngày một tốt đẹp hơn. Đại sứ kỳ vọng như thế nào về đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ lần này tại HĐNQ?
Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong việc đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ, để lại dấu ấn thông qua thúc đẩy các sáng kiến được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại HĐNQ về Biến đổi khí hậu và quyền con người, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em…
Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của HĐNQ trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế, bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển; về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em; về nâng cao giáo dục trong phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái…
Chúng ta cũng tích cực thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước trong khuôn khổ HĐNQ, cũng như giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của LHQ về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo, bảo đảm HĐNQ hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp công việc nội bộ các nước.
Trong nhiệm kỳ sắp tới, với tôn chỉ hành động là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Bảo đảm tất cả các quyền cho tất cả mọi người”, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng, tích cực hợp tác với các nước để thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động của HĐNQ thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới một cách toàn diện trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
Phát huy truyền thống của ngoại giao Việt Nam và kinh nghiệm đã tích lũy được, chúng ta sẽ có nhiều sáng kiến thiết thực, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy đối thoại, hợp tác tại HĐNQ trên tinh thần khách quan và xây dựng, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và tham khảo những kinh nghiệm tốt của các nước, đóng góp vào việc thúc đẩy quyền con người gắn liền với các trọng tâm của LHQ và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Chắc chắn Việt Nam sẽ đảm đương tốt trách nhiệm của mình tại LHQ, xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước thành viên LHQ đã tín nhiệm dành lá phiếu của mình cho Việt Nam hôm nay.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!