Việt Nam trong vòng xoáy 'thương chiến 2.0': Bất định từ rủi ro đã biết trước
Việc Trung Quốc tiến hành đáp trả thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể xem là cột mốc xác định 'thương chiến Mỹ - Trung 2.0' đã bắt đầu. Thương chiến là điều biết trước, nhưng diễn biến của thương chiến và những tác động của nó thì khó dự báo.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_72_51445161/9f161022246ccd32947d.jpg)
“Thương chiến 2.0” bắt đầu
Ngày đầu tiên của tháng 2/2025, Nhà Trắng phát đi thông điệp: Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, ngoại trừ dầu Canada bị đánh thuế ở mức 10%. Toàn bộ hàng Trung Quốc bị áp thêm 10% thuế.
Đến ngày 3/2, ông Trump lại thay đổi quyết định, đồng ý hoãn áp thuế đối với Mexico thêm một tháng. Quyết định được đưa ra sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum, mà theo phía Mỹ, bà Sheinbaum hứa sẽ điều vệ binh quốc gia giúp ngăn chặn dòng người di cư vào Mỹ - một cam kết lớn hơn nhiều so với những gì các nhà ngoại giao Mexico đã đề xuất vào tuần trước đó.
Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng thông báo, Mỹ đã hoãn áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada. Viết trên mạng xã hội X, ông Trudeau cho biết: “Canada đang thực hiện kế hoạch biên giới trị giá 1,3 tỷ USD, củng cố biên giới với máy bay trực thăng, công nghệ mới và nhân sự bổ sung, tăng cường phối hợp với các đối tác Mỹ, tăng cường nguồn lực để chặn dòng fentanyl vào Mỹ”.
Trong ngắn hạn, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đây là điều mà các tờ báo như South China Morning Post và Caixin đã nhận định từ lâu và họ đã gọi các nước ASEAN là trung tâm sản xuất mới nổi lên, lấy bớt chiếc bánh sản xuất của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc tiến hành đáp trả thuế quan của ông Trump. Sau khi mức thuế quan bổ sung 10% của chính quyền ông Trump áp lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ có hiệu lực vào ngày 4/2/2025, Trung Quốc cùng ngày đã tung đòn thuế đáp trả.
Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo, nước này sẽ áp mức thuế 15% đối với than, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp cùng một số xe nhập khẩu. Các mức thuế quan mới sẽ bắt đầu được áp dụng vào ngày 10/2/2025.
Đồng thời, Chính quyền Bắc Kinh cũng thông báo mở cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Google sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh áp thuế 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước đó, họ đã đưa 2 công ty của Mỹ vào danh sách đen, bao gồm PVH Corp (tập đoàn sở hữu các thương hiệu như Calvin Klein, Tommy Hilfiger) và Illumina (một công ty công nghệ sinh học).
Một số báo đài trên thế giới nhận định, đây có thể xem là cột mốc xác định “thương chiến Mỹ - Trung 2.0” đã bắt đầu, sau khi Trung Quốc tiến hành đáp trả thuế quan từ ông Trump.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_72_51445161/eeba7a8e4ec0a79efed1.jpg)
Bất định từ rủi ro đã biết trước
Những diễn biến nói trên được một số chuyên gia phân tích phương Tây gọi là “bất định từ rủi ro đã biết trước” (known unknowns). Rủi ro biết trước là về thương chiến. Còn chuyện không biết trước là tác động của nó.
Thương chiến sẽ gây ra nhiều tác động, trong đó những tác động chính có thể kể đến là: làm tăng lạm phát ở những nước bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đẩy lạm phát toàn cầu lên; gây tổn thất với lợi nhuận doanh nghiệp nếu họ không thể chuyển toàn bộ chi phí thuế quan lên người tiêu dùng; gây xáo trộn chuỗi cung ứng và việc làm ở những nước bị ảnh hưởng xấu; tác động của các chính sách đáp trả ngoài phạm vi thương mại (như Trung Quốc đang làm) gây tổn hại cho các công ty đa quốc gia.
Một nguyên nhân cụ thể khiến những tác động này đang ở vùng “không thể biết” là do không ai có thể ước tính chính xác tác động của thương chiến đến đâu. Vì sao như vậy? Đó là vì họ không biết diễn biến của thương chiến sẽ như thế nào.
Trước tiên, những nhóm hàng nào sẽ chịu thuế suất bao nhiêu và có điều khoản miễn trừ không, là một câu hỏi lớn. Trong “thương chiến 1.0”, có một danh sách “ngoại lệ” dài đối với nhiều nhóm hàng, do đó, tác động của thuế quan có thể không lớn như nó cho thấy bề ngoài, vì nhiều nhóm hàng, hoặc doanh nghiệp sẽ được đưa vào danh sách ngoại lệ đó.
Thứ hai, những cú “quay xe” thần sầu với tốc độ rất nhanh của ông Trump, như chuyện hoãn thuế quan với Mexico và Canada cho thấy, không thể đưa ra những tính toán kinh tế chắc chắn trong bối cảnh một tổng thống hay thay đổi quyết sách. Và ngay cả việc đưa ra nhiều kịch bản cũng trở nên khó khăn, vì kịch bản có thể có là vô số, với một tổng thống không có gì không dám làm.
Tất nhiên, vẫn có một số nỗ lực để tính toán tác động dựa trên tình huống xấu nhất, hoặc dựa vào giả định rằng, mọi việc rồi sẽ vẫn diễn ra như dự tính ban đầu. Ví dụ, các nhà nghiên cứu của Viện Brookings ước tính, nếu Canada và Mexico không đáp trả thương chiến, thì tổn thất của họ chỉ là khoảng 1% GDP thực, còn Mỹ tổn thất khoảng 0,32% GDP. Còn nếu đáp trả tương ứng với thuế suất 25% lên hàng từ Mỹ, tổn thất của họ có thể lên đến hơn 3%.
Cần lưu ý là, những tính toán này chỉ dựa trên những giả định rất cứng nhắc về độ co giãn của nhu cầu hàng hóa và hành xử của doanh nghiệp. Tác động thực tế có thể được làm giảm nhẹ với sự linh hoạt của doanh nghiệp cũng như thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người dân.
Tương tự, một trong những nỗi lo lớn của nhiều nhà phân tích là tác động của thương chiến đối với lạm phát toàn cầu. Có một số nhận định cho rằng, thương chiến sẽ làm lạm phát tăng mạnh, có khi quay lại lạm phát trên 5%.
Những nhận định như vậy rất có thể bị “việt vị”. Bởi vì, tác động của thương chiến lên lạm phát phụ thuộc vào các nhóm hàng nào sẽ bị đánh thuế, tác động chuyển từ thuế quan sang tăng giá cả (pass-through effect). Mà tác động đó phụ thuộc vào phản ứng lại của thị trường, độ co giãn nhu cầu của các mặt hàng bị tác động mạnh, dịch chuyển chuỗi sản xuất và cả những yếu tố không ai có thể biết trước, đó là mỗi dòng hàng sẽ bị đánh thuế thêm bao nhiêu phần trăm, hay “thương chiến” sẽ có mấy vòng...
Nếu tham khảo các nghiên cứu về tác động của thuế quan đến lạm phát của thương chiến 1.0, thì cũng thấy được các ước tính khác nhau. Ngay cả trường hợp cơ sở không có thương chiến, thì kinh tế sẽ tăng trưởng ra sao, lạm phát thế nào, kết quả của các nghiên cứu cũng không đồng nhất. Theo đó, việc tính toán chính xác tác động của thương chiến là rất khó.
Việt Nam có thể làm gì?
Sáng 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, như việc chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới.
Như đã phân tích ở trên, việc dự đoán điều gì sẽ diễn ra trong thương chiến là vô cùng khó khăn, nhưng có thể dự báo hai tác động.
Một là, trong ngắn hạn, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đây là điều mà các tờ báo như South China Morning Post và Caixin đã nhận định từ lâu và họ đã gọi các nước ASEAN là trung tâm sản xuất mới nổi lên, lấy bớt chiếc bánh sản xuất của Trung Quốc. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xu thế này, điều có thể nhìn thấy từ số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đáng kể trong mảng bất động sản công nghiệp.
Hai là, phía Mỹ sẽ “để ý” tới Việt Nam với tư cách là một nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Theo các số liệu về thặng dư thương mại, có thể đoán được, các đối tác thương mại sẽ bị “để ý” bao gồm Trung Quốc, Mexico, EU (đều đã nằm trong thảo luận về bị đánh thuế) và Việt Nam.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh chính trị, ông Trump nhiều khả năng sẽ muốn một “chiến thắng” có tính biểu tượng ở giai đoạn đầu của cuộc thương chiến hơn, nghĩa là đánh thuế vào một nước mà người dân Mỹ quan tâm nhiều, như Mexico, Canada, hay Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh mọi mặt với Mỹ từ công nghệ, cho đến ảnh hưởng toàn cầu. Tiếp đó, ông Trump sẽ phải giải quyết những vấn đề với các đồng minh phương Tây của mình, ví dụ EU và Anh.
Vì vậy, Việt Nam hay các nước ASEAN sẽ trở thành “tấm đệm” trong quá trình đó. Trong giai đoạn đầu, vì vậy, Việt Nam có thể hưởng lợi từ tiến trình “câu giờ” này. Tuy nhiên, sau đó, Việt Nam khó có thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Điều mà Việt Nam cần làm là tránh đáp trả trực tiếp, vì nó chỉ làm vấn đề trở nên tệ hơn, và như trong ước tính của Viện Brookings, Mỹ sẽ bị ảnh hưởng ít hơn, còn đối tác đáp trả nhỏ hơn sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn. Tiếp đó, cần có chính sách ngoại giao khôn khéo và tìm kiếm các lợi ích ngoài thương mại để thuyết phục Mỹ rằng, có một đối tác chiến lược toàn diện như Việt Nam vẫn có lợi nhiều hơn là tạo ra thêm một đối thủ khác trong “thương chiến 2.0”.