Việt Nam góp phần thúc đẩy vai trò của NPT đối với an ninh toàn cầu
Trưa 27/8 (giờ Việt Nam), Hội nghị lần thứ 10 kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) đã kết thúc sau gần 4 tuần tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), New York (Mỹ) với những cuộc thảo luận sâu rộng về những chủ đề mới trong 3 trụ cột chính của hiệp ước gồm giải trừ vũ khí hạt nhân, chống phổ biến hạt nhân và sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Tại đây, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy vai trò của NPT đối với an ninh toàn cầu song các nước thành viên NPT đã không đạt được nhất trí về văn kiện cuối cùng.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu tham dự hội nghị, đã nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, triệt để chống phổ biến vũ khí hạt nhân và đề cao quyền sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần hết sức nỗ lực để giải quyết những thách thức chung về hạt nhân. Đoàn Việt Nam đã tham gia phát biểu chung với đông đảo các nước về những vấn đề rất được quốc tế quan tâm, trong đó có việc đề cao vai trò của NPT, nhấn mạnh hậu quả nhân đạo của việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Với tư cách Phó Chủ tịch hội nghị, Việt Nam đã cùng các nước tích cực thúc đẩy, điều hành công việc chung của hội nghị. Đoàn Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN, các nước Không liên kết để thúc đẩy các ưu tiên của ASEAN, Không liên kết, nhất là Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân.
Trong 4 tuần hội nghị, các nước thành viên NPT đã có các phiên thảo luận chung, trao đổi sâu tại 3 ủy ban chính cùng các ủy ban giúp việc. Nhiều vấn đề lớn tiếp tục được thảo luận, trong đó có việc thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh vẫn còn số lượng lớn đầu đạn hạt nhân trên thế giới, giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân trong học thuyết chiến lược của các nước trên thế giới, bảo đảm an ninh cho các nước không có vũ khí hạt nhân. Các nước thành viên Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TNPW) cũng đề cao việc hiệp ước bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021 cũng như giá trị tương hỗ của hiệp ước đối với NPT. Nhiều chủ đề liên quan chống phổ biến cũng được các nước thảo luận, trong đó có việc thúc đẩy các khu vực phi vũ khí hạt nhân, như đã có tại châu Phi, Nam Thái Bình Dương, Trung Á, cũng như khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Các nước cũng cho rằng việc tiếp cận công nghệ hạt nhân cũng cần bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định về an ninh, an toàn, bảo đảm hạt nhân, nhất là của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Các chương trình, kế hoạch hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của IAEA với các nước cũng được đánh giá cao.
Tại hội nghị, tất cả các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của NPT đối với cơ chế giải trừ, chống phổ biến hạt nhân toàn cầu và sự cần thiết tăng cường nỗ lực để củng cố cơ chế này trong thời gian tới.